Tây Ninh tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2019

Thứ tư - 16/01/2019 17:00 100 0
Nhằm đánh giá một cách toàn diện các kết quả đạt được trong công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành y tế năm 2019, Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì đã diễn ra vào chiều ngày 15/01/2018.

Điểm cầu tỉnh tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Hoa Công Hậu - Giám đốc Sở Y tế và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh liên quan, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Quang cảnh Hội nghị

Trong năm 2018, ngành Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là: Số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 (giao 26,0) và Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7% (giao 85,2%). Đạt và vượt 9/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2018. Đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/thành phố. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.

Tình hình mắc và tử vong do tai nạn thương tích có xu hướng giảm so với năm 2017: 576.949 trường hợp mắc tai nạn thương tích với tỷ suất là 630,4 trên 100 nghìn dân (giảm 8,3%);  4.739 trường hợp tử vong chiếm tỉ lệ 0,82% (giảm 5,1%); số mắc tai nạn giao thông giảm 8,7%, số tử vong do tai nạn giao thông giảm 0,5%; số mắc đuối nước giảm 22,1%, số tử vong do đuối nước tăng 9,1%.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ (số vụ, số người mắc, số đi viện, số người tử vong đều giảm). Toàn quốc đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm với với 3.340 người mắc, 2.944 người đi viện, 16 người tử vong. So với năm 2017, tình hình ngộ độc thực phẩm được kiểm soát: giảm 44 vụ (31,2%), giảm 560 người mắc (14,4%), giảm 783 người đi viện (21,0%), giảm 8 người tử vong (33,3%).

Dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,67 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,07. Tiếp tục đạt được mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh ước tính đạt 2,05 con/phụ nữ. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ sinh ra sống là 14,24‰ (giảm so với năm 2017: 14,35‰). Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ sinh ra sống là 21,38‰ (giảm so với năm 2017: 21,55‰). Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình không tăng so với năm 2017: 73,5 năm, trong đó nam là 70,9 năm và nữ là 76,2 năm; tỷ số giới tính khi sinh tăng hơn so với năm 2017: 115,1 bé trai/100 bé gái (năm 2017: 112,4).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác y tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: Chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trạm y tế xã chưa làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho một số đối tượng theo luật định người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động…; Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn còn hạn chế, cơ chế tài chính, thanh toán BHYT còn vướng mắc; Người dân chưa tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Nhiều người khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế nên tỷ lệ chuyển tuyến, vượt tuyến còn khá phổ biến; Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng; Hầu hết mới chỉ tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt. Tình trạng vượt tuyến dẫn đến quá tải ở một số bệnh viện trung ương và thành phố lớn chưa được giải quyết triệt để; Số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,...

Tại Tây Ninh, năm 2018 tỉnh cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm (Chỉ tiêu giường bệnh/ vạn dân: 21,5 giường bệnh/vạn dân, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (19 giường/vạn dân); Chỉ tiêu bác sĩ/ vạn dân là 6,5, đạt chỉ tiêu kế hoạch (6,5 bác sĩ/vạn dân); Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 81,3%, đạt 100% so với kế hoạch năm; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên < 1% (0,68%) đạt chỉ tiêu kế hoạch năm; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng <5 tuổi ước 11,2%, đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (11,2%)); tình hình dịch bệnh tương đối ổn định; công tác khám chữa bệnh cũng duy trì ổn định khi thực hiện mức thu viện phí mới; đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe; đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện và xã, đến cuối năm 2018 đã hoàn thành 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Y tế tư nhân trong năm 2018 có bước phát triển mạnh mẽ. Số giường bệnh tư nhân tăng từ 135 giường năm 2017 lên 373 giường trong năm 2018, giúp cho Tây Ninh đạt bình quân 21,5 giường/vạn dân (cả nước 26,5 giường/vạn dân), trong đó tư nhân có 3,3 giường/vạn dân (cả nước có 1,8 giường tư nhân/vạn dân).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế trong năm qua. Tuy nhiên, trong năm 2019, ngành cần phấn đấu hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao, kết quả nhiệm vụ năm 2018 đã rất tốt nhưng không được hài lòng, năm 2019 phải thực hiện tốt hơn nữa. Tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục củng cố, phát triển BHYT trong nhân dân; Tăng cường năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh từ trên xuống dưới; Tập trung phát triển vào y tế cấp huyện; Công tác tuyền truyền cần được thực hiện thường xuyên, đúng mức; Quan tâm củng cố, sáp nhập bộ máy tổ chức, biên chế,…

                                                                                              Song Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây