Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ sáu - 21/02/2020 14:00 214 0
Sáng ngày 21/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.Tại điểm cầu Tây Ninh, Đồng chí Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, cùng lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Hội nghị tại điểm cầu tại Tây Ninh

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công nghệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp thực trạng và giải pháp phát triển. Trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kết chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm.Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp

Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản với số lượng và chất lượng ngày càng cao, đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm, năm 2019 đạt mức 41,3 tỷ USD. Đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ. Giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng.

Về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, đến nay, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp thủy sản. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị.

Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ; Nhiều cơ sở chế biến có tuổi đời trên 15 năm với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng (GTGT) thấp (chiếm 70-85%), sản phẩm chế biến có GTGT cao chiếm khoảng 15-30%. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (khoảng 10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đủ chất lượng; Hệ thống Logistics phục vụ nông nghiệp mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, các thiết bị đầu tư của các doanh nghiệp logistics thiếu đồng bộ; Cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn đề doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh; Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sau và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp và nước ta phấn đấu thành top 10 của nông nghiệp thế giới, bên cạnh những thành công chúng ta còn lãng phí, thất thoát trong nông nghiệp về các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, một số khâu có năng xuất thấp.

Do vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ ngành, các doanh nghiệp cần lắng nghe, tiếp thu, vận hành phù hợp và đặc biệt tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, cho doanh nghiệp, cho hợp tác xã phát triển nông nghiệp Việt Nam để nắm bắt thời cơ mới, nắm bắt điều kiện mới của Việt Nam, một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mua với lợi thế khác với nhiều nước khác.Tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước, ưu tiên cho nhân dân ta có được nông sản sạch, thực phẩm sạch, có những sản phẩm từ nông nhiệp tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về cơ giới hóa nông nghiệp, cần kéo dài thời gian, giảm lãi xuất vì tỉ suất trong nông nghiệp thấp. Cần áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị chất lượng, đây là vấn đề then chốt để phát triển chất lượng cao; Tiếp tục giảm giá thành, giảm chi phí đặc biệt là chi phí vận chuyển; Cần xây dựng thương hiệu, từ đó quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn; Về đạo tạo nguồn nhân lực, không những người lao động mà lao động quản lý rất quan trọng.Thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các cơ chế, chính sách, chủ động xây dựng, triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030.

PM


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây