Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc tại Tây Ninh

Thứ ba - 22/11/2022 16:00 140 0
Chiều ngày 22/11, Đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam do đồng chí Tôn Ngọc Hạnh – Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế-xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.

LHPNVN-1.jpg

Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có đồng chí Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng chí Phan Thị Thuỳ Vân – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Minh Nay cho biết, hiện nay, Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống với 5.551 hộ/ 20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer (2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,78% dân số toàn tỉnh).

 LHPNVN-2.jpg

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Minh Nay thông qua báo cáo của UBND tỉnh về nội dung được giám sát

Đồng bào DTTS phát triển sản xuất chủ yếu làm nông nghiệp, số ít buôn bán nhỏ, kinh doanh, đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đời sống tâm linh của đồng bào DTTS, phần lớn đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông, Chăm theo Hồi giáo Islam, một số ít dân tộc khác theo đạo Cao Đài, Công giáo. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 của HĐND tỉnh về phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022 và Nghị quyết 66/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 của HĐND tỉnh về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. 

Hiện nay, UBND tỉnh đang hoàn chỉnh dự thảo, trình HĐND ban hành Nghị quyết Quy định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: Từ năm 2022-2025. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ, phối hợp các sở, ngành địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: Từ năm 2022 đến 2025. 

Tổng mức vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2022 là hơn 11 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và vốn địa phương đối ứng. 

Trong giai đoạn I (2022 – 2025), Tây Ninh triển khai thực hiện 7 Dự án thành phần của Chương trình, gồm: Dự án 1 Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đều mang lại hiệu quả tích cực, điều kiện về kinh tế - xã hội, đời sống người dân từng bước được cải thiện, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 LHPNVN-3.jpg

Thành viên đoàn công tác đặt ra một số vấn đề liên quan đến Chương trình MTQG Phát triển kinh tế-xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Đoàn đặt ra nhiều vấn đề tìm hiểu thêm thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; về tảo hôn; hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới; xoá mù chữ phổ thông đối với phụ nữ DTTS; những kinh nghiệm trong xây dựng sự đoàn kết đồng bào tôn giáo, dân tộc. 

 LHPNVN-4.jpg

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phan Thị Thuỳ Vân phát biểu tại buổi làm việc

Các vấn đề trên đều được giải trình đầy đủ, đồng thời cung cấp thêm một số kết quả nổi bật trong hoạt động chăm lo cho phụ nữ tôn giáo, dân tộc của Hội LHPN tỉnh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền; giới thiệu quần chúng nữ cho đảng xem xét và được kếp nạp; đồng hành cùng phụ nữ biên cương…

 LHPNVN-5.jpg

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại buổi làm việc

Làm rõ thêm các nội dung đoàn đặt ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, là một tỉnh biên giới, có lượng người dân theo tôn giáo Cao đài chiếm hơn 50% dân số toàn tỉnh, Tây Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý nên tình hình tôn giáo dân tộc ổn định, đảm bảo an ninh trật tự. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh chỉ có xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên là xã Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Về Chương trình MTQG đối với DTTS, đây là lần đầu tiên Tây Ninh triển khai nội dung này nên còn lúng túng do chưa có hướng dẫn, đến nay Bộ Nội vụ chưa có hướng dẫn xây dựng tiêu chí. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, tỉnh sẽ sớm phân khai nguồn vốn đầu tư phát triển. Riêng vốn sự nghiệp sẽ chuyển qua năm 2023 theo chủ trương của Trung ương. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh còn thông tin thêm, năm 2023, tỉnh sẽ đầu tư cho dân tộc thiểu số, nhất là tập trung đầu tư nhà hoả táng cho DTTS xã Hoà Hiệp, đầu tư đường giao thông, hỗ trợ nước sạch, hệ thống xử lý nước; đầu tư nâng cấp trường phổ thông dân tộc nội trú, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; ban hành đề án đào tạo và giải quyết việc làm cho người DTTS từ nguồn vốn sự nghiệp; bảo tồn văn hoá cho DTTS; tiếp thu các nội dung liên quan đến chỉ tiêu bình đẳng giới để cải thiện tốt hơn.

 LHPNVN-6.jpg

Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Sau buổi làm việc, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của tỉnh trong triển khai Chương trình MTQG. Dù tỉnh chỉ có 1 xã là đối tượng triển khai thực hiện nhưng tỉnh đã hết sức chủ động với mục tiêu đặt ra rất rõ, dù nguồn vốn dành cho các dự án không lớn nhưng có lồng ghép vào các Chương trình MTQG khác trên địa bàn với nguồn vốn khá lớn cũng xoay quanh hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là các đối tượng vùng sâu, vùng xa, DTTS. Đây cũng chính là điểm thuận lợi để tỉnh đầu tư tập trung hơn. 

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tỉnh xác định không thực hiện Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), nhưng Hội LHPN tỉnh cũng cần chủ động tham mưu với tỉnh thực hiện tích hợp với một số chương trình, mục tiêu về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để chăm lo cho các đối tượng này theo điều kiện ngân sách của địa phương với một số đầu việc xuất phát từ những bức xúc, tạo những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của Hội, quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ nghèo, yếu thế, khuyết tật. Đồng chí mong muốn UBND tỉnh quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất để Hội LHPN cơ sở thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng tham gia quản lý nhà nước ở địa phương.

Đánh giá cao công tác quản lý người theo đạo, các tín đồ sống tốt đời đẹp đạo của tỉnh, đồng chí đề nghị tỉnh cần có giải pháp tốt trong dạy tiếng phổ thông đối với người DTTS và học tiếng DTTS của các cán bộ quản lý để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cần tập trung cho phụ nữ ở vùng sâu vùng xa có kiến thức, nhận thức hạn chế để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; thực hiện một số mô hình để chăm lo cho phụ nữ như dịch vụ tư vấn sức khoẻ, xây dựng gia đình hạnh phúc để góp phần thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi mới được Quốc hội thông qua.

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn đến khảo sát và làm việc tại UBND xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên.

Quỳnh Như



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây