UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2021

Thứ năm - 11/11/2021 23:00 226 0
Sáng ngày 11/11, UBND tỉnh tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2021 trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố nhằm cho ý kiến một số nội dung quan trọng.


Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Trần Văn Chiến, Dương Văn Thắng cùng chủ trì phiên họp.

Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các ban của HĐND tỉnh.


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Thị Dân An trình bày các nội dung

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Thị Dân An trình dự thảo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng sau năm 2030; dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chương trình đề ra chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 50%, đến năm 2030 đạt trên 55%. Về phân vùng phát triển đô thị, đến năm 2030 toàn tỉnh chi làm 04 vùng, cụ thể, vùng trung tâm gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành kết nối tạo động lực phát triển các vùng qua Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, các trục giao thông huyết mạch (như trục Quốc lộ 22 B, các tuyến đường tỉnh ĐT.793, ĐT. 785); vùng II qua trục ĐT 790, ĐT. 781; vùng III qua trục ĐT.781, ĐT. 786.

Vùng I (vùng phía Bắc) gồm các huyện Tân Châu, Tân Biên kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị ĐT.785. Tạo tiền đề phát triển các đô thị vệ tinh (thành lập thị trấn mới) xung quanh lõi thị trấn hiện hữu cho giai đoạn sau 2025 gồm: Tân Hưng, Tân Đông, Suối Dây thuộc huyện Tân Châu; Mỏ Công, Tân Lập, Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên.

Vùng II (vùng Đông Nam) gồm đô thị Dương Minh Châu, đô thị Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị ĐT.782-784, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát.

Vùng III (vùng Tây Nam) gồm đô thị Bến Cầu - Mộc Bài và huyện Châu Thành kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị QL 14C, ĐT.786; kết nối thị xã Gò Dầu qua trục đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài và đường Xuyên Á.

Về lộ trình nâng loại đô thị, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành công tác phân loại 09 đô thị, thành phố Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; nâng loại 2 đô thị đạt tiêu chuẩn loại III; công nhận 2 đô thị mới đạt tiêu chuẩn loại IV và chỉnh trang 4 đô thị loại V. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục hoàn thành công tác phân loại 09 đô thị (01 đô thị loại II; 03 đô thị loại III và 05 đô thị loại IV).

Về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh đề ra chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 là 6,8 triệu m2 sàn; Chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 30,5 m2/người, trong đó khu vực thành thị là 31,9 m2/người, khu vực nông thôn là 29 m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2026-2030 là 7,74 triệu m2 sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở lên khoảng 47,42 triệu m2 sàn vào năm 2030. Chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người là 33,0 m²/người, trong đó khu vực thành thị là 34,2 m2/người, khu vực nông thôn là 31,4 m2/người. Diện tích sàn nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tỷ trọng nhà chung cư ngày càng tăng.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị nên cập nhật thêm các vùng, các khu công nghiệp hiện có để có định hướng, thu hút dân số hình thành đô thị


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho rằng chương trình phát triển đô thị, nhà ở gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển khu công nghiệp và các quy hoạch khác đảm bảo tính khả thi

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, các chương trình phát triển đô thị và phát triển nhà ở lần này góp phần khắc phục hạn chế của các chương trình phát triển đô thị và nhà ở của giai đoạn trước, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển, nhu cầu dân sinh cũng như là cơ sở pháp lý để tỉnh thu hút đầu tư.


Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hai chương trình này phải thể hiện tư duy và tầm nhìn dài hạn, tính "động" và "mở", linh hoạt

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, vấn đề đang vướng nhất hiện nay là rất nhiều nguồn lực xã hội hóa đến với tỉnh để đầu tư phát triển đô thị và nhà ở nhưng trong thời gian qua, các chương trình phát triển đô thị và nhà ở trước đây chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa thể hiện tính "động" và "mở" nên khi có nguồn lực xã hội đề nghị đầu tư thì gặp khó khăn. Từ hai chương trình này, tỉnh sẽ định ra cơ chế mới về sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, hai chương trình này sẽ huy động chủ yếu từ nguồn lực từ xã hội, nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng trọng điểm, trọng tâm mang tính kết nối, lan tỏa, thu hút được đầu tư để giải quyết được vấn đề vừa tăng độ phủ đô thị vừa bảo đảm huy động được nguồn lực.

Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với hai tờ trình và giao Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh lại và lưu ý về quan điểm thực hiện. Đó là hai chương trình này phải thể hiện tư duy và tầm nhìn dài hạn, tính "động" và "mở", linh hoạt, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị và nhà ở; phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, về hạ tầng kinh tế-xã hội mà tỉnh đã đầu tư trong thời gian qua, về điều kiện xã hội, về nhu cầu kể cả trước mắt và lâu dài để định hướng. Hai chương trình này phải giải quyết được, khắc phục được tồn tại, hạn chế bất cập của các chương trình trước đây cũng như đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi hiện nay; phải gắn kết, liên thông với nhau, đặc biệt là phải gắn kết với chương trình hạ tầng kỹ thuật (nhất là hạ tầng giao thông).

Về nội dung cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng quan tâm, đối với chương trình phát triển đô thị phải đảm bảo 2 yếu tố cơ bản, là nâng cấp, phát triển đô thị hiện hữu; mở rộng, nâng cấp phát triển đô thị hiện hữu để nâng hạng xếp loại đô thị từ nay đến năm 2025, đến năm 2030 và sau năm 2030 của các đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố.

Đánh giá định hướng hình thành các trục, khu vực đô thị mới chưa thể hiện rõ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, về trục phát triển, tỉnh cần có định hướng cho các huyện theo tinh thần phát huy tối đa các định hướng phát triển các trục phát triển đô thị kết nối giữa các đơn vị hành chính, nhất là dọc các tuyến, trục đường giao thông trọng điểm đã được kết nối. Khi xác định một số đô thị mới, gồm đô thị mới trong cùng một đơn vị hành chính; đô thị mới giao thoa về không gian phát triển giữa các địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở mời gọi, thu hút nguồn lực xã hội.

Phiên họp còn cho ý kiến đối với các nội dung: Tờ trình về việc ban hành danh mục cây trồng sử dụng công cộng trong đô thị; danh mục cây trồng sử dụng hạn chế trong đô thị và danh mục cây cấm trồng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tờ trình về việc giao biên chế công chức đối với các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 (giữ nguyên như năm 2021 là 1.791 biên chế); Tờ trình ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025; Tờ trình việc đề nghị phê duyệt Phương án chuyển đổi diện tích rừng giao khoán theo Nghị định số 01/CP sang Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ; tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn tỉnh; tờ trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; dự thảo Báo cáo tình hình sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh, nguồn dự toán chưa phân bổ và nguồn phát sinh năm 2020, dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính năm 2021 và dự kiến Kế hoạch tài chính năm 2022 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh quản lý.

Qua ý kiến của các đại biểu, cơ bản các nội dung đã được UBND tỉnh thông qua. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan trình tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu và hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Với các nội dung trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm cần khẩn trương hoàn thiện nội dung để trình đúng tiến độ.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây