Đề nghị xem lại mức hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, hộ gia đình trồng rừng theo các mô hình của Nhà nước do mức hỗ trợ hiện nay thấp, không đủ để người dân trang trải chi phí

Thứ hai - 26/04/2021 17:00 172 0
Đề nghị xem lại mức hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, hộ gia đình trồng rừng theo các mô hình của Nhà nước do mức hỗ trợ hiện nay thấp, không đủ để người dân trang trải chi phí; đề nghị xem xét cho hưởng sản phẩm tỉa thưa từ cây chính đã khép tán (Sao, Dầu, Xà cừ…), đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát tình trạng trộm cắp lâm sản để người dân yên tâm sản xuất.

Trả lời:

- Về kinh phí hỗ trợ và chính sách hỗ trợ khác: Mức hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng và giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, cụ thể:

+ Định mức khoán bảo vệ rừng hiện nay được áp dụng trên địa bàn tỉnh là 300.000 đồng/ha/năm (bằng định mức bình quân quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg) theo Công văn số 4030/VP-TH ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kết luận phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh suất hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng và điều chỉnh, bổ sung vốn xây dựng cơ bản đầu tư phát triển và bảo vệ rừng bền vững năm 2017.

+ Định mức đầu tư trồng mới rừng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg từ ngân sách Trung ương là 30 triệu đồng/ha, phần thiếu hụt Ủy ban nhân dân tỉnh tự cân đối bổ sung ngân sách còn thiếu theo dự toán được duyệt. Do đó, mức đầu tư trồng mới rừng (gồm 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc) bình quân trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 32 triệu đồng/ha rừng (Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn giá trồng mới và chăm sóc rừng trồng từ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).

+ Về hỗ trợ kinh phí phòng cháy và chữa cháy rừng trồng: hiện nay, trong các quy định của Trung ương chưa có quy định về mức hỗ trợ này. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh (có trên 50% diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; 240km đường biên giới giáp với Campuchia, chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng), từ năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống cháy rừng trồng bình quân trên 800.000đồng/ha/năm cho người nhận khoán thực hiện các công đoạn phòng cháy chữa cháy rừng (Công văn số 2679/UBND-KTN ngày 11 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ trương hỗ trợ kinh phí phòng chống cháy rừng trồng).

+ Ngoài các định mức hỗ trợ đầu tư nêu trên, trong những năm đầu khi rừng trồng chưa khép tán, người nhận khoán được trồng xen cây phù trợ, cây nông nghiệp ngắn ngày và được hưởng toàn bộ nguồn thu từ cây phù trợ, cây trồng xen.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; theo đó, những diện tích rừng có đủ tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ môi trường rừng (rừng trồng đã thành rừng, rừng tự nhiên đang được bảo vệ …), các hộ nhận khoán (tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng) đã được chi trả bình quân 250.000đồng/ha/năm. Đối với diện tích rừng trên địa bàn huyện Tân Biên hiện chưa có đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, nhưng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch chi trả, trong đó có điều tiết, chia sẻ một phần nguồn kinh phí chi trả cho các hộ nhận khoán trồng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tân Biên bình quân 126.000đồng/ha/năm. Từ năm 2021 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh triển khai bổ sung thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước để tăng thêm nguồn kinh phí chi trả cho người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

  • Về hưởng sản phẩm tỉa thưa từ cây chính đã khép tán (Sao, Dầu, Xà cừ…)

    Tại điểm c khoản 3 Điều 20 Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có quy định khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ như sau: "Phương thức khai thác: Khai thác tỉa thưa cây trồng chính phải đảm bảo mật độ còn lại ít nhất 600 cây/ha và phân bố đều trên lô…"; Tuy nhiên, hiện nay mật độ cây chính (cây Sao, Dầu, Xà cừ…) trong các lô rừng trồng đều không đạt được 600 cây/ha; do vậy, việc đề nghị tỉa thưa, hưởng sản phẩm tỉa thưa từ cây chính đã khép tán (Sao, Dầu, Xà cừ…) là chưa phù hợp với quy định.
  • Về việc tuần tra, kiểm soát tình trạng trộm cắp lâm sản
    Diện tích rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) trên địa bàn tỉnh đã được giao, hợp đồng giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình bảo vệ, với định mức khoán bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 300.000 đồng/ha/năm; do vậy các tổ chức, hộ gia đình nhận khoán có trách nhiệm bảo vệ rừng mà mình đã được giao khoán;
    Trong thời gian qua, các chủ rừng đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng, chính quyền địa phương, UBND các xã có rừng trong việc tổ chức kiểm tra truy quét, kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua, bán, sử dụng lâm sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý; cụ thể:
    + Thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng... tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật... kết hợp với bảo vệ biên giới (thực hiện theo quy định Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng).
    + Thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo Thông tư Liên tịch số 04/2015/TTLT-BCA-BNNPTNT ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp công tác đảm bảo an ninh, an toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các Ban quản lý rừng đã phối hợp lực lượng Kiểm lâm, Công an huyện, Công an xã, các ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra,  kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây