Kiến nghị ngành chức năng tăng cường công tác trồng rừng đầu nguồn, bán ngập để tăng độ che phủ, giảm bồi lắng, giảm dòng chảy lũ và tăng dòng chảy kiệt, phát triển bền vững hệ sinh thái

Thứ bảy - 15/01/2022 11:00 48 0

Trả lời:

Để tăng cường công tác trồng rừng đầu nguồn, bán ngập tăng độ che phủ, giảm bồi lắng, giảm dòng chảy lũ và tăng dòng chảy kiệt, phát triển bền vững hệ sinh thái và các nguồn sinh thủy, bảo vệ tài nguyên đất và nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương thực hiện, kết quả như sau: Tổng diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh là 30.164,35 ha thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong đó: Diện tích đất có rừng: 25.978,98 ha. Diện tích rừng phòng hộ đã trồng nhưng chưa thành rừng: 591,9ha; Diện tích đất trống có cây bụi tái sinh: 1.153,53 ha; Diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ khác: 2.441,15 ha. Tóm lại, Diện tích đất có rừng và đã trồng rừng là 26.570,88 ha chiếm 88,1% tổng diện tích đất quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh trồng mới được 4.439 ha rừng, trong đó 2.359,4 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Ngoài ra, hằng năm lực lượng bảo vệ rừng của BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng hơn 22.500 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hiện có (tính đến năm 2020); qua đó góp phần nâng độ che phủ rừng từ 16,2% vào năm 2015 lên 16,3% vào năm 2020. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến trồng mới khoảng 2.000 ha rừng (bình quân mỗi năm 200 ha; quản lý, bảo vệ khoảng 248.316 lượt ha rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên khoảng 3.400 lượt ha đảm bảo thành rừng sau một chu kỳ đầu tư. Đến năm 2021 đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh 210 ha.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh đang triển khai dự án hợp tác trồng cây rừng bảo vệ môi trường sinh thái giữa Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng – Phước Hòa với Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh mới triển khai thực hiện trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, việc trồng cây rừng chưa được sự thống nhất, xác nhận và bàn giao mặt bằng giữa Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng – Phước Hòa, Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh với chính quyền địa phương theo thỏa thuận tại Hợp đồng số 111/HĐ-TLDTPH ngày 21/11/2015 và chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, UBND tỉnh đã đề nghị Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng – Phước Hòa sớm khắc phục. Mặt khác, tỉnh Tây Ninh đang triển khai các phương án quản lý rừng bền vững tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; hiện nay các Ban Quản lý rừng đang phối hợp đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh các phương án gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương triển khai công tác trồng rừng đầu nguồn, bán ngập theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2030.




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây