Huyện Dương Minh Châu: Một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi có triển vọng

Thứ năm - 09/05/2013 00:00 158 0
Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện trên địa bàn huyện đang phát triển hoặc thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt bước đầu có hiệu quả kinh tế như: Trồng ổi xen canh mít, nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp, nuôi gà đông tảo, trồng khoai từ phủ bạt, trồng trôm lấy mủ, nuôi rắn mối, nuôi rắn ri voi, nuôi cá kiểng, nuôi chim trĩ đỏ, trồng dừa xiêm dây…

Dừa xiêm dây cho trái từ rất sớm

Dừa xiêm dây cho giá trị kinh tế cao

Theo hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Ra (khu phố 3, Thị trấn). Nghe ông cán bộ Hội giới thiệu phóng viên định viết bài về mô hình dừa xiêm dây, bà Năm, vợ ông Ra xuýt xoa: “Tiếc quá, phải chi mấy chú vô sớm hôm một bữa, tôi mới bán hết dừa hôm qua rồi”.

Bà Năm kể, hơn 3 năm trước, gia đình bà đặt mua dừa xiêm dây giống có nguồn gốc ở Bến Tre và trồng dần dần hết khoảng 2 công đất (2.000m2). Sau khi trồng được khoảng hơn 2 năm thì một số cây cho trái. Đây là một trong những giống dừa mới được đưa về Tây Ninh trồng gần đây. Đặc điểm của giống dừa này là thích nghi với hầu hết điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, kể cả đất phèn, ít dinh dưỡng. Dừa cho trái từ rất sớm, có khi buồng trái chỉ cách mặt đất vài tấc. Dừa xiêm dây rất sai trái và cho trái liên tục, bình quân khoảng 50 trái mỗi quày, cũng có nhiều quày đến hơn 70 trái. Mỗi năm, bình quân cây trưởng thành có thể cho khoảng 15 quày hoặc hơn. Nước dừa xiêm dây ngọt thanh, quả không quá nhỏ như dừa dâu nhưng cũng không quá lớn như dừa ta, mỗi người uống một trái là vừa.

Tính tổng chi phí, gia đình ông Ra đầu tư chừng 7, 8 triệu đồng, kể cả tiền cây giống. “Không trồng cây gì sướng bằng cây dừa, vì không phải tốn nhiều công chăm sóc và cũng nhẹ chi phí phân tro, thuốc bảo vệ thực vật”, bà Năm nói. Đến nay, dù mới chỉ có khoảng hơn 20 cây dừa cho trái thường xuyên nhưng gia đình ông Ra đã có thu nhập bình quân từ tiền bán dừa là 3 triệu đồng/tháng. “Vài tháng nữa, khi toàn bộ vườn dừa đều cho trái, thu nhập sẽ tăng lên rất nhiều lần”, bà Năm nói. Hiện ông bà Năm sống khá nhàn nhã với thu nhập từ trồng dừa kết hợp nuôi gà thả vườn.

 

Nuôi thỏ có thu nhập khá

Ở khu vực Đội 25B, ấp B4 xã Phước Minh có một trại thỏ đang phát triển tốt và bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan. Chủ trại thỏ này là anh Nguyễn Duy Khanh, còn khá trẻ, sinh năm 1987. Điều bất ngờ hơn là anh Khanh đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin và đã đi làm cho một công ty phần mềm với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Anh Khanh kể, vừa đi làm, anh vừa học liên thông lên đại học. Tuy nhiên, những lúc rảnh rỗi, anh lại lên mạng internet tìm tòi, nghiên cứu những mô hình chăn nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2012, anh Khanh trở về quê làm nông dân với ý chí làm giàu từ chăn nuôi.

Anh Khanh bên trại thỏ

 

“Lúc đầu, tôi dự định nuôi rắn mối sau khi đã tham quan nhiều mô hình ở tỉnh bạn và nghiên cứu trên internet. Tuy nhiên, kết quả nuôi thử nghiệm ban đầu cho thấy rắn mối không dễ nuôi, đồng thời hiện phong trào nuôi rắn mối khá phát triển. Tôi quyết định chuyển sang nuôi thỏ sau khi tìm hiểu thị trường thịt ở Đồng Nai, Bình Dương. Đến nay, có thể thấy là tôi đang đi đúng hướng”, anh Khanh kể.

Lúc đầu, chỉ với 15 con thỏ giống, đến nay, sau nửa năm, anh Khanh đã gầy được đàn thỏ trên 200 con thịt và giống, sau khi đã tuyển bán một số thỏ đực để “lấy vốn mua thức ăn nuôi thỏ”. Đây là giống thỏ trắng nhập từ nước ngoài đã lai với thỏ xám Việt Nam nên khá dễ nuôi, cho trọng lượng thịt khá. Bình quân, sau 4 tháng kể từ khi ra đời, mỗi con thỏ thịt nặng khoảng 2kg. Với giá bán từ 50.000 đồng đến gần 70.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Khanh cho biết mỗi con thỏ anh lời được 50%, chưa tính phần lời là thỏ con.

Một trong những lợi thế giúp giảm chi phí nuôi thỏ của anh Khanh là tận dụng đất vườn rộng quanh nhà để trồng rau muống, trồng cỏ làm thức ăn cho thỏ, tiết kiệm được chi phí thức ăn công nghiệp. Dự định của anh Khanh là sẽ mở rộng quy mô trại thỏ theo hướng “chuyên nghiệp”. Song song đó, nhà anh Khanh còn nuôi rắn ri voi và nuôi thử nghiệm một số động vật khác.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây