Tây Ninh chủ động ứng phó dịch cúm A/H7N9

Thứ bảy - 27/04/2013 00:00 57 0
Trước tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đầu năm 2013, hiện đang xảy ra dịch cúm trên đàn chim yến tại Ninh Thuận, tại Campuchia và dịch cúm A/H5N1 xảy ra trên người tại Đồng Tháp, Campuchia; bên cạnh đó, số trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang gia tăng, cho thấy các bệnh dịch cúm trên gia cầm và người diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai các phương án để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đại diện ngành Y tế tỉnh, bác sĩ Võ Trung Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện tại ở nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 ở trên người cũng như trên gia cầm; tuy nhiên, khả năng dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập, lan truyền và gây dịch rất cao ở nước ta, trong đó có tỉnh Tây Ninh.

Cúm A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm, do virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người. Theo các phương tiện truyền thông, tính đến ngày 25.4, Trung Quốc ghi nhận 109 ca nhiễm bệnh, trong đó 23 trường hợp đã tử vong.

Về tình hình dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, bác sĩ Nguyễn Thành Thúc - Chi cục phó Chi cục Thú y Tây Ninh chia sẻ: từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm, đã tiêu huỷ gần 5.000 con gà, vịt từ các ổ dịch. Ngành Thú y đã kịp thời phối hợp các ngành chức năng tiến hành xử lý các ổ dịch, không để dịch phát sinh.

Vệ sinh cá nhân là biện pháp phòng bệnh cúm chủ yếu. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học ở xã Bàu Đồn, huyện Dương Minh Châu học cách rửa tay phòng bệnh cúm.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh nhấn mạnh, tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 và cúm gia cầm H5N1 trên người ở Tây Ninh, nhưng ngành Y tế và ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án chuẩn bị đối phó dịch cúm; trong đó đã thực hiện diễn tập phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên người cũng như trên đàn gia cầm; ngành Y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu quốc tế; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm trường hợp mắc để điều trị kịp thời; phục vụ tốt cho công tác cách ly, xử lý dịch tại cộng đồng tránh lây lan và giảm tử vong…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo yêu cầu các đơn vị, các ngành, UBND huyện/thị Tăng cường truyền thông cho nhân dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cúm trên người và gia cầm, thủy cầm; Kịp thời thông tin cho nhân dân diễn biến tình hình dịch bệnh nhưng không được thổi phồng sự việc, gây hoang mang cho nhân dân; Tăng cường quản lý việc vận chuyển, mua bán, giết mổ và sử dụng gia cầm, thủy cầm bệnh (chết) không rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Thực hiện kiểm soát gia cầm nhập vào từ Campuchia; UBND các huyện/thị khẩn trương kiện toàn và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi; Báo cáo khẩn cấp khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm và ca bệnh nghi cúm ở người cho ngành Thú Y và Y tế, không được chủ quan, lơ là trong công tác chống dịch…

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây