Lao động nông thôn học nghề cạo mủ cao su |
Trong thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể và UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề cho đoàn viên, hội viên và lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Đề án. UBND huyện Tân Châu sử dụng Trung tâm GDTX huyện và hợp đồng thêm với các cơ sở đào tạo nghề khác để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến năm 2012, huyện đã tổ chức được 86 lớp dạy nghề cho lao động, đạt 57,5% kế hoạch giai đoạn 2010-2015. Trong đó có 75 lớp khai thác mủ cao su, 8 lớp trồng rau sạch, 3 lớp dạy nghề lái xe ôtô hạng B2. Tổng kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trên 4,3 tỷ đồng. Sau học nghề, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp, nông trường, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giới thiệu việc làm cho học viên, do đó tỷ lệ lao động tìm được việc làm sau học nghề đạt 84,07%, trong đó có 132 hộ có người học nghề đã vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện từ 9,19% năm 2010 xuống còn 6,44% năm 2012.
Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã, trong thời gian qua đã có trên 800 lượt cán bộ, công chức xã được cử đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Qua đào tạo, giúp cán bộ, công chức cấp xã nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ ở địa phương.
Trong giai đoạn 2013-2015, huyện Tân Châu đề ra mục tiêu tổng quát là phấn đấu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch 800 lao động nông thôn, 100 lượt cán bộ công chức cấp xã; doanh nghiệp tư nhân tự đào tạo 100 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 19,01% giai đoạn 2006-2010 lên 30% vào năm 2015.
Theo BTNO