Ngành Giáo dục – Đào tạo: Chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 24/05/2013 00:00 62 0
Trong 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Chính phủ phê duyệt, có tiêu chí 5 (trường học) và tiêu chí 14 (giáo dục) thuộc nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Góp phần vào công tác xây dựng nông thôn mới, thời gian qua ngành GD&ĐT Tây Ninh đã triển khai đồng bộ các hoạt động như công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, hướng nghiệp cũng như công tác kiểm tra, giúp đỡ các địa phương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; củng cố và phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã.

Trường THPT Ngô Gia Tự (Gò Dầu) được xây dựng mới

Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 94/531 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc mầm non có 17 trường, tiểu học có 45 trường, trung học cơ sở có 27 trường và trung học phổ thông có 5 trường. Số trường học 2 buổi/ngày được tiếp tục mở rộng với 257 trường tiểu học, trong đó có 138 trường đã tổ chức được 100% lớp học 2 buổi/ngày trong phạm vi toàn trường. Nhìn chung, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được việc huy động số học sinh trong độ tuổi mới đến trường; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học đang giảm dần; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tăng về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, số lượng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất vẫn còn nhiều. Các trang thiết bị hiện vẫn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng về chất lượng. Số phòng học chưa đủ để huy động hết trẻ em 5 tuổi trong độ tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày. Theo thống kê của ngành giáo dục và đào tạo hiện còn thiếu 162 phòng, trong đó 152 phòng đang chờ bố trí vốn xây dựng. Thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, Tây Ninh được Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng 2.662 phòng học và 64 phòng công vụ giáo viên. Trong thời gian qua, đã hoàn thành 1.799 phòng học, đang thi công 611 phòng và chuẩn bị đầu tư xây dựng 252 phòng. Riêng về nhà công vụ cho giáo viên, đã hoàn thành 64/64 phòng. Để đạt được các tiêu chí đề ra, thời gian tới các huyện cần có sự huy động lớn về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học.

Hiện tại, cơ sở trường lớp của bậc mầm non được xây dựng riêng lẻ chủ yếu để giải quyết nhu cầu cấp bách, do đó hầu hết đều nhỏ lẻ, phân tán- có trường có đến 5 điểm trường… chưa bảo đảm quy cách và diện tích, gây khó khăn cho xã, phường trong việc triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa huy động được học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung, qua đào tạo nghề nói riêng không đồng đều giữa các huyện, số người theo học chương trình đào tạo nghề mang tính bền vững chưa cao.

Theo kế hoạch, cuối năm 2014 toàn tỉnh có 9 xã điểm xây dựng thành công nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hoàn thành tiêu chí 5 về trường học vào năm 2014 là vấn đề rất khó khăn. Hiện nay, ở 9 xã điểm trên còn có đến 33 trường chưa đạt chuẩn quốc gia và để đạt được điều này cần một nguồn vốn rất lớn.

Về tiêu chí 14, trong 9 xã điểm phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2014, có 9/9 xã đạt tiêu chí 14.1 (phổ cập giáo dục THCS). Có 5/9 xã đạt tiêu chí 14.2 (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề). 4/9 xã chưa đạt tiêu chí 14.2 là Thạnh Bình (Tân Biên), Thạnh Đông (Tân Châu), Thanh Điền (Châu Thành) và An Tịnh (Trảng Bàng).

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây