MỤC TIÊU
Xác định khả năng nuôi trồng thủy sản trong Hồ Dầu Tiếng, quy hoạch vùng nuôi trồng nhằm bảo vệ chất lượng nước và môi trường Hồ.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
- Thu thập tài liệu.
- Khảo sát đo đạc địa hình, phân tích chất lượng nước lòng hồ.
- Phân tích và tính toán vị trí nuôi trồng.
- Phân tích số lượng bè cá được nuôi.
- Nguồn thức ăn, loại cá có thể phát triển.
- Hệ thống kiểm soát môi trường.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
- Đề tài đánh giá tổng hợp các tư liệu liên quan đến điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế xã hội, hiện trạng phát triển làng bè, chất lượng nước, cơ sở thức ăn tự nhiên, các chiến lược của ngành thủy sản địa phương và công năng của Hồ Dầu Tiếng .
+ Vị trí hồ Dầu Tiếng: hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng nằm trên địa phận Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh; lưu vực hồ có diện tích 2.700 km2, trên vùng đồi núi thấp thuộc ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thấp dần theo hai hướng Tây Bắc - Đông Nam với trung bình +50m so với mặt biển;
+ Chế độ thuỷ văn: nguồn nước cấp vào hồ có hai nguồn chính là nước mưa và nước mạch; nước mưa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng còn nước ngầm cung cấp một lượng muối; trong năm nước hồ tăng cao nhất là mùa mưa, sự thay đổi mực nước dẫn đến sự thay đổi thuỷ sinh vật và nguồn lợi cá, ảnh hưởng đến năng suất cá;
+ Hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng: trước năm 2002 nuôi trồng thuỷ sản trong hồ phát triển khoảng 100 lồng chủ yếu nuôi cá Lóc đồng, cá Lóc bông. Đến năm 2002 phát triển phong trào nuôi cá Điêu hồng bằng lồng bè vị trí đặt trên kênh chính Tây, do ảnh hưởng cản trở dòng chảy gây ô nhiễm nguồn nước;
+ Trong quá trình nghiên cứu nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng đã xác định được 54 loài cá thuộc 9 bộ, 19 họ khác nhau và hai loài tôm thuộc họ tôm càng palaemonidae.
+ Các yếu tố của nguồn nước có biến động nằm trong khoảng cho phép của tiêu chuẩn chất lượng nước cho nuôi trồng thủy sản: nhiệt độ, chất rắn lơ lững, độ pH, oxy... Tuy nhiên có một số yếu tố chất lượng nước có hàm lượng vượt mức cho phép của TCVN đối với đời sống thủy sinh vật: amonia, phosphate, sắt tổng số, chì.
+ Thành phần loài thực vật nổi khá đa dạng với tổng số 156 loài thuộc 6 ngành tảo nước ngọt. Trong đó chiếm ưu thế là ngành tảo lục, chủ yếu ở các giống Closterium, Cosmarium, Micrasterias, Pediastrum, Scenedesmus và Staurastrum.
+ Thành phần loài động vật nổi với tổng số 77 loài thuộc 4 ngành. Trong đó lớp trùng bánh xe Rotatoria (ngành Aschelminthes) có số lượng phong phú nhất với 36 loài; ngành chân khớp Arthropoda với 32 loài; ngành Protozoa 8 loài và ấu trùng Mollusca 1 loài.
+ Thành phần loài động vật đáy với tổng số 25 loài thuộc 3 ngành: Arthropoda (11 loài), Mollusca (10 loài), Annelida (4 loài). Theo đánh giá, thành phần giống loài tại khu vực này khá nghèo nàn so với các thủy vực khác.
+ Tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên hồ, các nông hộ chủ yếu sử dụng 2 loại ngư cụ: lưới xanh và vó đèn đã vi phạm các qui định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản bởi có tính hủy diệt cao. Trong khi việc phát triển nuôi trồng thủy sản trong hồ mang tính tự phát, ồ ạt không tuân thủ theo các quy định của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã gây ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong hồ Dầu Tiếng :
- Đề tài đã chọn phương án 1 (PA1), phương án 2 (PA2) là phương án thực hiện giải tỏa toàn bộ số lượng bè đang hiện hữu trên mặt hồ (trong đó PA1 là phương án trước mắt, sau khi hồ Phước Hòa hoàn thành đưa vào vận hành ổn định có thể xem xét thực hiện PA2).
KẾT QUẢ ỨNG DỤNG
- Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 17/4/2006. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản ứng dụng có hiệu quả vào công tác quản lý trong thời gian qua.
- Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thuỷ sản Tây Ninh, số lượng cá được thả hàng năm: năm 2008 (797.000 con), năm 2009 (2.218.182 con), năm 2010 (320.000 con), năm 2011 (596.810 con), năm 2012 (1.063.037 con); gồm các loại: Trắm cỏ, Trôi, Mè vinh, Chép, Lăng vàng, Mè hoa, Mè trắng, Hô, Tra, Tra dầu, Thát lát Cườm, Lóc bông; sản lượng đánh bắt cá hàng năm ( 2008 - 2012) bình quân 3.000 tấn.
- Giải tỏa dứt điểm việc nuôi cá bằng lồng, bè trong hồ Dầu Tiếng từ năm 2006, góp phần bảo vệ môi trường nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM.
- Hiện nay, Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thuỷ sản Tây Ninh vẫn đang tiếp tục duy trì triển khai thả và đánh bắt cá theo kế hoạch hàng năm.