MỤC TIÊU
- Ứng dụng công nghệ EM vào xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải chế biến khoai mì, cao su.
- Xây dựng quy trình công nghệ sử dụng EM trong xử lý nước thải ở Tây Ninh.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
- Thử nghiệm EM để giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm CH4 , H2S và NH3, mùi hôi và đẩy nhanh tốc độ phân giải hữu cơ của rác thải sinh hoạt.
- Thử nghiệm EM để giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm đối với các thông số BOD, COD, SS, mùi hôi trong nước thải chế biến khoai mì.
- Thử nghiệm EM để giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm đối với các thông số BOD, COD, SS, mùi hôi trong nước thải chế biến cao su.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế và xã hội của công nghiệp EM.
- Xây dựng quy trình công nghệ tối ưu để sử dụng EM trong xử lý nước thải ở Tây Ninh.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả nghiên cứu đã khẳng định có thể áp dụng công nghệ EM vào xử lý môi trường ở tỉnh Tây Ninh vì cho hiệu quả cao và dễ áp dụng. Cụ thể:
- Đối với chất thải rắn: được xử lý bằng cách phun chế phẩm EM thì tốc độ giảm thể tích và độ giảm mùi cao hơn đáng kể so với phân hủy tự nhiên.
+ Rác thải được xử lý phun chế phẩm EM thì tốc độ giảm về thể tích, số lượng côn trùng, ruồi nhặng, mùi cao hơn đáng kể so với không xử lý bằng EM.
+ Sau 27 ngày thí nghiệm trên mô hình cố định, thể tích các thùng (6 thùng; 2m2/thùng) giảm từ 18% - 30%. Nếu để tự nhiên sau 27 ngày thí nghiệm, thể tích các thùng giảm từ 13,3% - 16,7%.
+ Các thùng chứa hoàn toàn là rác thải hữu cơ (đã phân loại) độ cao của rác giảm nhiều hơn các thùng chứa rác hỗn hợp. Thùng phân loại rác sử dụng EM Việt Nam có độ cao của rác giảm nhanh gấp 1,5 lần so với thùng không phân loại sử dụng cùng loại EM. Thùng phân loại rác sử dụng EM Nhật có độ cao của rác giảm không đáng kể so với thùng không phân loại.
+ Xử lý 1m3 rác chỉ khoảng 2.000 đồng, điều đó cho thấy giảm đáng kể cho ngân sách địa phương trong công tác xử lý rác thải.
- Đối với nước thải: Nước thải từ chế biến khoai mì và cao su được xử lý bằng dung dịch EM đã làm giảm mạnh mùi hôi, các chỉ số COD, BOD, SS. Nồng độ EM1 Việt Nam 5%, hiệu quả xử lý tốt, so sánh chế phẩm Việt Nam và Nhật Bản:
+ Nồng độ EM1 Việt Nam, hiệu quả xử lý SS cao hơn EM1 Nhật 2,6 lần.
+ Nồng độ EM1 Việt Nam, hiệu quả xử lý COD cao hơn EM1 Nhật 7,9 lần.
+ Nồng độ EM1 Việt Nam, hiệu quả xử lý BOD5 cao hơn EM1 Nhật 1,8 lần.
+ Theo tính toán ban đầu để giảm nồng độ BOD xuống 45%, nồng độ COD 35% so với nồng độ ban đầu, chi phí này khoảng 800 đ/m3 nước thải.
- Sản xuất chế phẩm EM tại Tây Ninh.
+ Chủng vi sinh: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đã ứng dụng các giống vi sinh để sản xuất EM-1 và EM - Bokashi, đánh giá được một số chỉ tiêu thiết yếu như định danh các chủng vi khuẩn lactic thuộc giống Lactobacillus, Streptococcus.
+ Sản xuất dạng pilot: đã thiết lập được thành phần môi trường lên men sản xuất EM-1 và EM - Bokashi từ các nguyên liệu sẵn có ở tỉnh Tây Ninh như rỉ đường mía, cám gạo, khô dầu phộng bột cá, nước chiết giá và một số muối vô cơ.
+ Kết quả kiểm tra, phân tích: qua kết quả kiểm tra khách quan của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, EM-1 và EM - Bokashi đã sản xuất là những sản phẩm vi sinh có chất lượng tốt, không có các vi sinh vật gây bệnh.
KẾT QUẢ ỨNG DỤNG
Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 01/02/2007. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào xử lý chất thải tại các nhà máy, cơ sở chế biến mì và cao su nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường.