Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa canh tác mía ở Tây Ninh

Thứ hai - 04/11/2013 00:00 242 0
Chủ nhiệm đề tài: KS. Lê Ngọc Tĩnh Cơ quan chủ trì: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2005 - 2008 Thời gian nghiệm thu: 2009 Kinh phí thực hiện: 714.755.975 đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-     Xây dựng mô hình cơ giới hóa canh tác mía trên 2 vùng đất đại diện tại tỉnh Tây Ninh:

+ Vùng đất cao: Vùng nguyên liệu mía thuộc huyện Tân Châu Tây Ninh, năng suất tăng từ 8 ÷ 15% so với đối chứng.

+ Vùng đất thấp: Vùng nguyên liệu mía thuộc huyện Châu Thành Tây Ninh, Năng suất tăng từ 10 ÷ 15% so với đối chứng.

+ Chi phí sản xuất giảm từ 10 ÷ 20% so với đối chứng.

- Nhân rộng kết quả Mô hình trong tỉnh Tây Ninh, hiệu quả sản xuất được thể hiện:

+ Năng suất tăng từ 5 ÷ 8% so với sản xuất đại trà.

+ Chi phí sản xuất giảm từ 8 ÷ 15% so với sản xuất đại trà.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-     Xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ canh tác mía thích hợp tại 2 vùng đất ở Tây Ninh.

-     Ứng dụng các loại máy chuyên dùng, các kết quả nghiên cứu hiện nay vào canh tác mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

-     So sánh đánh giá kết quả nghiên cứu và khảo nghiệm dự kiến.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-     Về đặc điểm sinh trưởng của cây mía:

+ Cây mía ở Việt Nam có thời gian sinh trưởng ngắn, là cây có sinh khối lớn, khối lượng thân rễ lá có thể tới 300 tấn/ha, thân và lá khá nặng; cây mía dể bị đổ ngã khi gió lớn, tỷ lệ hao hụt mía cây khi thu hoạch phụ thuộc đáng kể vào trạng thái cây đứng trên đồng;

+ Khoảng cách hàng, mật độ cây và năng suất mía có mối quan hệ mật thiết với nhau, tùy thuộc vào trình độ thâm canh, CGH mà quan hệ đó thay đổi; khoảng cách hàng rộng, hàm lượng chất dinh dưỡng và ẩm độ trong đất càng cao thì tỷ lệ mía đẻ nhánh, số cây trên hàng càng cao và sẻ tăng cho đến khi giao tán, các cây thấp yếu sẻ bị đào thải.

- Hiện trạng canh tác mía tại Tây Ninh:

+ Vụ Đông - Xuân (cuối mùa mưa): thường trồng vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 dương lịch, thu hoạch vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 năm sau; đối với vùng có điều kiện tưới thời vụ trồng có thể kéo dài đến tháng 1 - 2 dương lịch; vụ này có thời gian sinh trưởng dài nên năng suất thường cao hơn;

+ Vụ Hè - Thu (cuối mùa mưa): thường trồng vào khoảng tháng 4, 5, 6 dương lịch, thu hoạch vào khoảng tháng 2, 3, 4, 5 dương lịch năm sau; vụ này có thời gian sinh trưởng ngắn nên năng suất thấp hơn;

+ Khâu làm đất: cày đạt độ sâu từ 18 - 25 cm. Máy kéo công suất từ 50 - 100 Hp liên kết với các thiết bị là cày phá lâm 03 chảo, 04 chảo và cày 07 chảo xen kẽ;

+ Khâu trồng: máy chỉ làm một chức năng là rạch hàng (độ sâu lớn nhất chỉ 25 cm) nên có cấu tạo đơn giản; bón lót, rải hom, lấp, nén hom đều thực hiện bằng lao động thủ công;

+ Chăm sóc: cày ra diệt cỏ, phơi cho cỏ chết, đợi khi có mưa thì rải phân bằng lao động thủ công và cày vô lấp phân; công tác chăm sóc mía còn gặp nhiều khó khăn theo thời tiết;

+ Khâu thu hoạch: toàn bộ mía ở Tây Ninh được thu hoạch bằng thủ công, lượng lá mía khô trên đồng sẽ được đốt cháy hoàn toàn; công việc này gây ảnh hưởng đến môi trường rất nhiều.

-     Xây dựng quy trình cơ giới hóa (CGH) canh tác mía ở Tây Ninh: vùng đất cao (huyện Tân Châu Tây Ninh): Năng suất tăng 41,36%; chi phí giảm 22,7% so với đối chứng; vùng đất thấp (huyện Châu Thành Tây Ninh): Năng suất tăng 24,8% ; chi phí giảm 29,6% so với đối chứng.

-     Xây dựng được 2 mô hình canh tác mía:

+ Tại Tân Châu Tây Ninh (vụ Đông Xuân 2007): trong vụ mía tơ, năng suất đạt cao hơn lô đối chứng là 41,24% và cao hơn các lô đại trà cùng giống K84-200 cùng khu vực là 48,02%; đất không có gốc và lá mía giảm 12% so với đối chứng và đại trà.

+ Tại Châu Thành Tây Ninh (vụ Hè Thu 2006): trong vụ mía tơ, năng suất đạt cao hơn lô đối chứng là 33%; chi phí canh tác giảm 11,03% so với đối chứng. Trong vụ mía gốc (2008 - 2009) năng suất đạt cao hơn lô đối chứng là 2,66% và cao hơn các lô đại trà cùng giống K84-200 cùng khu vực là 33,3%; chi phí canh tác giảm 22,93% so với đối chứng và đại trà.

-     Mô hình canh tác mía bằng cơ giới kèm theo các số liệu khảo nghiệm. Các thiết bị chuyển giao: 01 máy trồng mía, 01 máy chăm sóc liên hợp, 01 máy thu hoạch.

-     Danh mục các thiết bị cơ giới hóa canh tác mía và quy trình canh tác mía phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh Tây Ninh. Các máy đạt kết quả tốt đang nhân rộng gồm máy trồng mía bán cơ giới, máy xới bón phân, máy tung vôi, cày ngầm không lật; một số máy có triển vọng như máy bón phân kết hợp xới diệt cỏ, máy băm lá mía, máy nâng chuyển mía bán thủ công.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-     Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 05/3/2010. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến các cơ quan, đơn vị, các vùng, khu vực có liên quan trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai nhằm tạo đột phá trong việc tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí đối với cây mía ở Tây Ninh.

- Sở KH&CN đã giao cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở triển khai nhân rộng kết quả nghiên cứu: từ năm 2008 - 2010, máy cày ngầm đã được cải tiến và nhân rộng 02 cái tại Trại mía Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh (Cày ngầm đã ứng dụng canh tác là 22 ha; Bừa đĩa trung 100 ha; Cày sâu 4 chảo 50 ha); máy trồng mía Thái Lan 50 ha, được cải tiến và nhân rộng trên 30 cái tại Tây Ninh và các tỉnh như Long An, Đồng Nai và Gia Lai; máy băm lá của Chương trình mía đường Tp. HCM thực hiện được 10 ha. Từ 2011 - 2012: bừa đĩa trung 11 ha; máy xới bón phân 01 hàng của Thái Lan 52,5 ha; máy tung vôi mẫu Tây Ban nha 101 ha; khâu thu hoạch chưa ứng dụng được vào sản xuất và đời sống.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây