Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất công trình tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 04/11/2013 00:00 305 0
Chủ nhiệm đề tài: Ths. Đoàn Ngọc Toản Cơ quan chủ trì: Liên đoàn ĐCTV- ĐCCT miền Nam (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước MN) Thời gian thực hiện: 2006 - 2008 Thời gian nghiệm thu: 2009 Kinh phí thực hiện: 600,503 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-  Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chất công trình (ĐCCT) và các chương trình hỗ trợ để thành lập các bản đồ ĐCCT. CSDL có khả năng lưu trữ và cập nhật các tài liệu khảo sát ĐCCT toàn tỉnh, nhất là địa bàn thị xã và thị trấn.

-  Xây dựng chương trình hỗ trợ thành lập cột địa tầng, mặt cắt và các bản đồ ĐCCT chuyên môn phục vụ cho các ngành kinh tế và khoa học khác nhau.

-  Thành lập loạt bản đồ ĐCCT phục vụ cho quy hoạch xây dựng và sử dụng hợp lý tài nguyên đất khu vực thị xã Tây Ninh.

-  Đào tạo cán bộ kỹ thuật ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Thu thập toàn bộ số liệu các công trình nghiên cứu về ĐCCT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

-  Phân loại, sắp xếp các số liệu cần lưu trữ để nhập vào CSDL.

-  Xác định mối quan hệ của các số liệu lưu trữ, các công thức tính toán trên tập hợp các số liệu.

-  Xác định các dạng bản vẽ, các biểu bảng, các loại đồ thị cần xuất ra từ CSDL

-  Xây dựng các bảng cần thiết để lưu trữ số liệu.

-  Xây dựng các quan hệ, các ràng buộc toàn vẹn, các miền giá trị.

-  Xây dựng các giao diện để nhập, xuất, kiểm tra số liệu.

-  Viết các hàm, modules để CSDL hoạt động.

-  Viết các chương trình hỗ trợ thành lập các bản vẽ, mặt cắt, biểu đồ, trên cơ sở các số liệu được xuất ra từ CSDL.

-  Tạo liên kết giữa CSDL với bản đồ, đưa các số liệu trong CSDL trở thành các đối tượng, các thuộc tính của đối tượng GIS.

-  Số liệu trong CSDL được liên kết với bản đồ, các bảng trong CSDL là thuộc tính của bản đồ Người khai thác số liệu có thể tìm kiếm thông tin từ CSDL hoặc từ các bản đồ liên quan.

-  Dựa trên CSDL tính toán các chỉ tiêu cơ lý của đất đá và in ra các biểu bảng, đồ thị thống nhất, giúp cán bộ làm công tác khảo sát ĐCCT dễ dàng thành lập các bản vẽ và biểu bảng cần thiết cho công tác lập báo cáo khảo sát.

-  Viết hướng dẫn sử dụng, biên tập thành file help.

-  Dựa trên CSDL và các phần mềm hỗ trợ tiến hành thành lập loạt bản đồ ĐCCT khu vực thị xã Tây Ninh, phục vụ cho công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên đất.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Đề tài đã thu thập phong phú, đầy đủ các tài liệu về địa chất, địa mạo, ĐCCT đã có trong vùng, đã chỉnh lý chi tiết và có hiệu quả tài liệu điều tra cơ bản của vùng, đặc biệt trong việc phân tích chỉnh lý tài liệu ĐCCT.

-  Thành lập cơ sở dữ liệu ĐCCT trong môi trường nhiều người dùng, tương thích với hệ thống thông tin địa lý (GIS) lưu trữ các loại số liệu về kết quả nghiên cứu ĐCCT, cung cấp số liệu cho các chương trình và phần mềm xử lý số liệu. Viết các chương trình hỗ trợ cho công tác lập bản vẽ, bản đồ ĐCCT. CSDL và các chương trình hỗ trợ là một phần mềm máy tính chuyên dùng trong công tác nghiên cứu ĐCCT.

-  Cơ sở dữ liệu ĐCCT tỉnh Tây Ninh được xây dựng dựa trên các đặc điểm về địa hình (đồi núi, thành tạo do sông), cấu trúc địa chất, và tính chất cơ lý của đất đá, vật liệu xây dựng. Kết quả phân vùng ĐCCT ở Tây Ninh thành 05 vùng, mỗi vùng có điều kiện và đặc trưng riêng.

+ Địa hình đồi núi: bao gồm các sườn núi thành tạo trên các khối xâm nhập (núi Bà Đen), có độ dốc trung bình 15 - 400 đến 50 - 600; trắc địa dọc của địa hình có dạng lõm, mạng lưới dòng chảy tạm thời rất phát triển.

+ Địa hình thành tạo do sông: chiếm phần diện tích còn lại của vùng nghiên cứu như: bãi bồi ven lòng tuổi Holocen muộn, thời muộn (Q2), thềm tích tụ - xâm thực bậc II tuổi Pleistocen muộn, thời muộn (Q1 3), thềm xâm thực tích tụ bậc III tuổi Pleistocen muộn, thời sớm (Q1  1).

+ Cấu trúc địa chất: các trầm tích đệ tứ bao gồm các thành tạo nguồn gốc sông và nguồn gốc sông - đầm lầy phân bố gần như rộng khắp trong vùng nghiên cứu; các thành tạo magma xâm nhập phân bố ở phía Đông với diện tích khoảng 6 km.

+ Đặc điểm địa chất thủy văn: nhìn chung mực nước ngầm trong vùng nghiên cứu nằm nông, nước dưới đất trong vùng có 3 loại ăn mòn đối với bê tông: chủ yếu là ăn mòn rủa lũa, ăn mòn carbonic, ăn mòn axit. Trong vùng không hiện diện ăn mòn sulfat, tại vị trí lỗ khoan DT1 nước không có khả năng ăn mòn.

+ Tính chất cơ lý của đất đá: trong phạm vi ảnh hưởng của móng các công trình xây dựng và nền đất (0 - 30m) các thành tạo đất đá được phân chia thành 4 loạt thạch học là loạt thạch học deluvi, loạt thạch học sông - đầm lầy, loạt thạch học sông và loạt thạch học magma xâm nhập và được chia thành 9 phức hệ thạch học. Các phức hệ thạch học được chia ra 21 kiểu thạch học. Nhìn chung phần lớn diện tích nghiên cứu có cấu trúc đất nền và tính chất cơ lý của đất đá thuận lợi cho việc đặt móng xây dựng công trình.

+ Vật liệu xây dựng: trong phạm vùng nghiên cứu, nguồn vật liệu xây dựng khá hạn chế, chủ yếu là đá xây dựng, cuội sỏi và đất san lấp.

- Kết quả phân vùng địa chất công trình:

+ Vùng thị xã Tây Ninh thuộc miền VII địa chất công trình toàn quốc và được chia thành 4 vùng là vùng đồi núi, vùng đồng bằng xâm thực tích tụ, đồng bằng tích tụ - xâm thực và đồng bằng tích tụ.

+ Vùng đồi núi phân bố ở phía Đông thị xã Tây Ninh và được phân thành 2 khu địa chất công trình VIIA1 và VIIA2. Các khu này không thuận lợi cho xây dựng.

+ Vùng đồng bằng xâm thực tích tụ phân bố chủ yếu ở phía Bắc và một phần ở phía Đông Nam của thị xã Tây Ninh và được chia thành 3 khu địa chất công trình VIIB1, VIIB2, và VIIB3. Nhìn chung đây là vùng thuận lợi cho việc đặt móng các công trình xây dựng.

+ Vùng đồng bằng tích tụ xâm thực phân bố chủ yếu ở phía Tây, phía Nam và trung tâm của thị xã Tây Ninh và được chia ra thành 2 khu địa chất công trình VIIC1, VIIC2. Nhìn chung đây là vùng thuận lợi cho việc đặt móng các công trình xây dựng.

+ Vùng đồng bằng tích tụ phân bố củ yếu ở phía Tây, Tây Nam dọc theo rạch Tây Ninh và các rạch nhỏ trong vùng. Được chia thành 6 khu địa chất công trình VIID1, VIID2, VIID3, VIID4, VIID5 và VIID6. Các khu VIID4, VIID5 và VIID6 không thuận lợi cho xây dựng. Khi có nhu cầu xây dựng tại đây cần sử dụng giải pháp gia cố nền hoặc móng thích hợp.

-  Số lượng tài liệu địa chất công trình thu thập được chủ yếu tập trung ở trung tâm của thị xã. Vì vậy số lượng lỗ khoan trên bản đồ phân bố không đều, có những vùng còn chưa có các công trình nên việc nghiên cứu, phân chia ra các cấp nhều dày của các phức hệ thạch học còn mang tính định tính và chủ yếu dựa vào độ cao địa hình.

-  Bản đồ ĐCCT tỷ lệ 1/10.000 vùng thị xã Tây Ninh (TXTN) và các mặt cắt đi kèm, bản đồ phân vùng ĐCCT tỷ lệ 1/10.000 vùng TXTN; bản đồ cột địa tầng lỗ khoan tỷ lệ 1/10.000 và bản đồ tài liệu thực tế ĐCCT tỷ lệ 1/10.000, bản đồ sức chịu tải quy ước tỷ lệ 1/10.000 vùng TXTN.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-  Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 05/3/2010. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi), Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng ứng dụng trong công tác quản lý của ngành.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây