Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân

Thứ năm - 14/11/2019 17:00 88 0
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh và kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng (LMLM), Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Tai xanh, Dại, ... vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Nhận định vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 (vụ Đông Xuân), nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng; Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao và việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh do nhu cầu thực phẩm các tháng trước và sau Tết Nguyên đán; Việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới gây nguy cơ mang theo mầm bệnh vào địa bàn tỉnh; Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương bị hạn chế bởi dịch bệnh DTLCP xảy ra trong thời gian qua.


Trước tình hình trên, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; thực hiện Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Ngày 14/11/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 2539/UBND-KTTC đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân, cụ thể như sau:

Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP. tiếp tục xem nhiệm vụ  phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019, Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019; các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống bệnh DTLCP, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

UBND các huyện, thành phố rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, trong đó chú ý các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (ngập úng, ngập lụt,...). Chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong các Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh: Bệnh LMLM tại Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Cúm gia cầm tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; bệnh Dại tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo tinh thần tại Công văn số 3109/SNN-CCCN&TY ngày 04/11/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian thực hiện từ ngày 01/11/2019 đến ngày 01/12/2019.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống bệnh DTLCP tại Công văn số 10/BCĐDTLCP ngày 16/10/2019 và Công văn số 4980/BNN-TY ngày 11/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm gây thiệt hại, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, và xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Các Sở, ban, ngành liên quan (Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Cục Hải quan, Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh,...) căn cứ nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, gia cầm sản phẩm lợn, gia cầm ra, vào tỉnh.

HN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây