Tây Ninh: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển bền vững

Thứ hai - 18/11/2019 17:00 1.335 0
Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính (gồm 8 huyện, 1 thành phố với 95 xã, phường, thị trấn). Là một tỉnh đa dân tộc và đa tôn giáo cùng sống hòa hợp, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại 27 điểm dân cư với 5.127 hộ, 19.648 người (chiếm 1,69% dân số toàn tỉnh).

Theo thống kê, toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là dân tộc Khmer (chiếm 0,7% dân số), sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, theo Phật giáo, một ít người Khmer theo Đạo Cao Đài.

Kế đến là dân tộc Chăm (chiếm 0,35% dân số), sinh sống chủ yếu ở thành phố Tây Ninh, huyện Tân Châu và huyện Tân Biên, đa số theo Hồi Giáo Islam. Dân tộc Hoa (chiếm 0,36% dân số toàn tỉnh), sống chủ yếu ở Thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu, đa số theo đạo Phật. Ngoài ra còn có người Tà Mun (chiếm 0,15% dân số), theo đạo Cao Đài, sống tại thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu. Các dân tộc khác (Ấn, Mường, Thái, Châuro, Tày, Nùng,…) sống đan xen với đồng bào người Kinh. Việc tu học, hành đạo và các hoạt động khác của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thực hiện theo quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc mình.Tình hình hoạt động tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì ổn định, đảm bảo an ninh trật tự.

Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 60%), còn lại là thương mại và dịch vụ và các ngành nghề khác. Các hộ đã sống lâu đời với người Kinh có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng nên đời sống tương đối ổn định. Riêng dân tộc Hoa sinh sống và kinh doanh thương mại - dịch vụ nên đời sống tương đối khá. Trong số 7.609 hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn tỉnh (được thống kê năm 2018) thì có 102 hộ nghèo, 107 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với tình hình đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chỉ đạo để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, các chương trình, đề án, dự án, chính sách trên các lĩnh vực dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như: giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, du lịch, nông nghiệp và phát triển, lao động việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới... nhằm giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách dân tộc đều được triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, kết quả sau 5 năm thực hiện Chiến lược dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Hầu hết lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số đều được bồi dưỡng, tập huấn qua các lớp đào tạo nghề cũng như các lớp cử tuyển trình độ từ trung cấp trở lên.

Số hộ nghèo bình quân vùng dân tộc thiểu số mỗi năm mỗi giảm, đã xóa nhà ở dột nát và trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất cho đồng bào. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số được đầu tư với 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 80% đường trục ấp được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, đời sống văn hóa cơ sở đã được cải thiện rõ rệt, các di sản được bảo tồn và phát huy; chính sách bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt.

Tính từ năm 2015 - 2018, có 432 người thuộc đồng bào dân tộc tham gia các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, trong đó đa số là nghề nông nghiệp, như kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi heo, bò, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật cạo mủ cao su, kỹ thuật đan giỏ bội. Sau học nghề, khoảng 80% người tham gia học nghề tự tạo được việc làm và có việc làm, thu nhập từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-UBND ngày 10/3/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt đề án bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh, đến nay có 291 hộ được bố trí lên khu dân cư Chàng Riệc, trong đó có 72 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018, tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 59,3 tỷ đồng; đã có 950 lượt hộ thuộc người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách nói trên với số vốn giải ngân là hơn 17,6 tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập để cải thiện đời sống gia đình, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự tích cực, chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội đã góp phần vào thành tích 8 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã được công nhận danh hiệu nông thôn mới, trong tổng số 36/80 xã trong toàn tỉnh đạt danh hiệu này (tính đến cuối năm 2018).

Trong đó có thể kể đến phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" được nhiều người dân tộc thiểu số hưởng ứng với nhiều mô hình kinh tế, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi...có hiệu quả. Nhiều hộ dân tộc thiểu số đạt được thu nhập cao, điển hình như: bà Lâm Thị Mỹ Hà, người Tà Mun ở xã Tân Thành, huyện Tân Châu; chị Sa Ty Giá, dân tộc Chăm ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu; bà Phùng Thị Mum và cộng đồng dân tộc Hoa ở xã An Cơ, huyện Châu Thành; ông Huỳnh Văn Hồng, dân tộc Hoa ở thị trấn Tân Biên.

Trong phong trào "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" có những gương điển hình tốt xuất hiện như: tập thể đồng bào dân tộc Chăm ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu; tập thể dân tộc Chăm ở ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình, huyện Tân Bên; đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tập thể đồng bào dân tộc Khmer, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành...


Đồng bào dân tộc Khmer xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp

Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được nâng lên rõ rệt. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm xây dựng cơ sở, vật chất và tạo mọi điều kiện để con em các dân tộc thiểu số được đến trường, các em học sinh dân tộc thiểu số còn được miễn đóng học phí và được hỗ trợ sách giáo khoa, vận động khuyến khích đến trường. Hàng năm, có hàng ngàn học sinh là người dân tộc thiểu số được tham gia học tập ở các cấp học.

Trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Trên địa bàn tỉnh có di tích chùa Botumkirirangxay của dân tộc Khmer (hay còn gọi là Chùa KheDol) tại ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh; nghệ thuật múa Trống Chhay-dăm của đồng bào dân tộc Khmer Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 11 nhà văn hóa dân tộc (8 nhà văn hóa dân tộc Khmer, 3 nhà văn hóa người Tà Mun).


Nhà văn hóa dân tộc ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu được đầu tư xây mới vào năm 2014

Các nhà văn hóa dân tộc này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của về hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa mà nó còn đồng hành trong đời sống của đồng bào người dân thiểu số và là một phần không thể thiếu trong kết nối cộng đồng khu dân cư.

Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, UBND tỉnh ra quyết định công nhận 31 người người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, do có chia tách đơn vị hành chính, nên số người có uy tín hàng năm được các huyện, thành phố đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận là 32 người. Các cá nhân này đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng phát triển bền vững.


Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được biểu dương

Với  vị trí, vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh rất quan tâm chăm lo công tác nguồn nhân lực trong lực lượng này, nhất là bồi dưỡng những hạt nhân, cán bộ cốt cán là người dân tộc thiểu số. Tính đến nay, toàn tỉnh có 194 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 19 người tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; 74 cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương; 100% ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có chi bộ đảng; hàng trăm người dân tộc thiểu số tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và có gần 6.000 người dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức chính trị - xã hội. Toàn tỉnh có 24 nhân viên y tế là người dân tộc thiểu số. Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác.

Với sự quan tâm về mọi mặt của tỉnh đối với công tác dân tộc, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định. Đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo ổn định quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh lần thứ III năm 2019 sẽ được tổ chức trong hai ngày 21 và 22/11/2019 với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển".

Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa, góp phần cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển; tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Đại hội cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2019 và đề ra mục tiêu và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2019-2024.

Với niềm tin vào sự hòa hợp dân tộc, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh lần thứ III năm 2019 sẽ thành công tốt đẹp. Các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Tây Ninh hiền hòa, nghĩa tình sẽ chung sức đồng lòng thực hiện đạt các mục tiêu đề ra tại Đại hội vì sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, sự phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh nói chung trong thời gian tới.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây