Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Thứ tư - 10/08/2022 20:00 264 0
Sáng 10/8, tại Tây Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là hội thảo thứ hai bàn về hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức.


Quang cảnh hội thảo

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh chủ trì Hội thảo.


Các đồng chí chủ trì hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự có các đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết, nhằm khai thác lợi thế địa kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển, KKTCK Mộc Bài đã được Chính phủ thành lập từ năm 1998, với quy mô trên 21.000 ha, là một trong những KKTCK được Trung ương quan tâm, thành lập sớm nhất trong cả nước; và hiện nay tiếp tục được xác định là một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong giai đoạn sắp tới.

Từ những ngày đầu thành lập, KKTCK Mộc Bài đã mang đến những niềm vui và nhiều kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá trên quê hương Tây Ninh. Có giai đoạn KKTCK Mộc Bài đã thực sự là một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, có nhiều các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động; đã dần thay đổi bộ mặt, đời sống của vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan dẫn đến sự phát triển của KKTCK Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra; trong đó tác động lớn nhất là sự thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại đã dẫn đến KKTCK Mộc Bài dần mất đi động lực phát triển.

"Làm thế nào để KKTCK Mộc Bài phát triển đúng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là cửa ngõ, là hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở biên giới phía Tây Nam là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh"- Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, hội thảo khoa học "Khu kinh tế Mộc Bài - Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển" được tổ chức vào cuối năm 2020 đề ra định hướng, mô hình phát triển cho KKTCK Mộc Bài theo hướng đa chức năng: Công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ, có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, lấy công nghiệp hiện đại, đô thị sinh thái làm động lực chính. Mô hình này là phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm được nêu trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định "Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm mong muốn, những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển KKTCK Mộc Bài được đề cập tại Hội thảo lần này sẽ là một cơ hội để tỉnh tiếp cận các quan điểm, tư duy mới về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu trong giai đoạn mới; làm cơ sở để tỉnh hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đề xuất, bổ sung các quan điểm mới trong quá trình Trung ương đang tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị và xây dựng Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.




Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và các chuyên gia phân tích vị trí địa lý kinh tế, chính trị, tiềm năng, lợi thế của KKTCK Mộc Bài trong bối cảnh mới và thực trạng phát triển KKTCK Mộc Bài từ khi thành lập đến nay; làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân. Trên cơ sở đó đưa ra quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển Khu kinh tế theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, sự cần thiết để khởi động lại KKTCK là đang giải quyết một vấn đề rất lớn là cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII, ghi rất rõ 8 khu trọng điểm, trong đó nhấn mạnh vai trò của KKTCK Mộc Bài trên hành lang Xuyên Á.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các ý kiến phát biểu từ thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã cơ bản nhất trí với đề xuất về KKTCK Mộc Bài theo một tư duy mới. Trước hết là hạ tầng, thứ hai là lộ trình thực hiện và thứ ba là nguồn nhân lực. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, không nên dàn trải cùng một lúc, mà phải phát triển lần lượt với sự cân nhắc cẩn trọng và xây dựng tầm nhìn. Nhấn mạnh đến vai trò liên kết vùng, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, vùng ở đây không chỉ vùng trong quốc gia mà còn là vùng trong khu vực.

"Cũng qua ý kiến trao đổi cho thấy, không thể không phát triển KKTCK Mộc Bài, với cách nhìn vào góc độ, ở giai đoạn này phải thể hiện thể chế vượt trội, không chỉ dừng lại ở KKTCK mà còn là khu kinh tế tổng hợp như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu, đấy chính là công nghiệp, đô thị, dịch vụ, với quan điểm của Đảng là phát triển nhanh và bền vững"- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đồng tình với các đại biểu khi đặt trọng tâm vào quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, nếu không có quy hoạch thì không thể xác định được không gian phát triển các cấu trúc, trung tâm chức năng cho đến công nghiệp, đô thị. Thứ hai là thể chế, vì phải có lộ trình, phải kết hợp cả những thể chế, nhất là ưu đãi về sử dụng đất, về thuế, tài chính cùng các điều kiện liên quan đến các hạ tầng khác để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, nếu Tây Ninh hoàn thành tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rút ngắn quãng đường đến sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển KKTCK. Quan trọng nữa là thể chế phải đồng bộ, từ đất đai đến đầu tư, thuế đến cư dân … phải rõ nét. Kế nữa là nguồn lực để thực hiện được các nội dung này cần nguồn vốn rất lớn theo lộ trình, ngoài vốn nhà nước, còn có sự tham gia của nguồn lực tư nhân, của nhà đầu tư chiến lược khi lựa chọn nhà đầu tư cần chú trọng vào nền tảng "xanh và bền vững".

Hoàng Giang


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây