Bộ Ngoại giao tập huấn công tác thỏa thuận quốc tế năm 2021

Thứ ba - 19/10/2021 22:00 127 0
Sáng ngày 19/10, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác thỏa thuận quốc tế năm 2021 với sự tham dự của gần 300 đại biểu công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.



Các đại biểu tham dự tập huấn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tập huấn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thành Nhân - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bổ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Tài chính, UBND các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai các văn bản về công tác đối ngoại, ngoại giao. Việc ký kết, thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Thời gian vừa qua, số điều ước quốc tế Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, nội dung công tác ngày càng đa dạng. Do đó, việc tập huấn này là cần thiết và đề nghị các đại biểu tập trung vào nội dung phổ biến, quán triệt Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020, nhất là những nội dung mới so với trước đây; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác này nhằm tăng cường hiệu quả công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại Hội nghị, các đại biểu được triển khai công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 và 2 nghị định quy định chi tiết một số nội dung của Luật.

Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 có 7 chương 52 điều. Luật này được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Luật quy đinh về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi bổ sùn, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.  

Hai nghị định được triển khai tại hội nghị là Nghị định số 64/2021/NĐ-CP, ngày 30/6/2021 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Nghị định số 65/2021/NĐ-CP, ngày 30/6/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế. Hai nghị định này đều có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, cùng thời gian mà Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 có hiệu lực thi hành.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây