Ban Pháp chế, HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ ba - 07/06/2022 19:00 164 0
Sáng ngày 07/6, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên địa bàn tỉnh.


Quang cảnh buổi giám sát

Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Tham dự buổi giám sát, có đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; về phía UBND tỉnh có đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.


Đồng chí Trương Văn Dễ - Phó Chánh Thanh tra tỉnh thông qua báo cáo

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong thời gian từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung về công tác PCTN; tổ chức gần 5.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 185.000 lượt người. Nội dung công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động được UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Trong kỳ, UBND tỉnh đã ban hành 17 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ áp dụng trên địa bàn tỉnh; các cấp, các ngành đã xây dựng 597 văn bản mới, điều chỉnh 173 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, chủ yếu là các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công, đều được công khai rộng rãi đến cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong kỳ, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 344 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Qua công tác kiểm soát hành chính chưa phát hiện trường hợp vi phạm về quy định chuyển đổi.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã phát hiện 28 đơn vị với 52 người sai phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với số tiền sai phạm đã phát hiện và xử lý là 1,6 tỷ đồng; phát hiện và xử lý 01 trường hợp với 3 người vi phạm về quy tắc ứng xử.

Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đối với nhóm TTHC đất đai. Tính đến ngày 05/12/2021, Tây Ninh đã thực hiện được 2.379 giao dịch với tổng số tiền xấp xỉ 6 tỷ đồng.

Qua giải quyết tố cáo đã phát hiện 1 vụ, 1 người có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xác minh. Toàn tỉnh đã tiến hành xử lý kỷ luật 9 lãnh đạo, xử lý hình sự 3 lãnh đạo để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các cơ quan thanh tra đã triển khai 155 cuộc chủ yếu ở lĩnh vực tài chính ngân sách, còn lại là các lĩnh vực đất đai, quản lý hành chính, xây dựng cơ bản. Qua thanh tra đã phát hiện 06 vụ, 22 người có dấu hiệu tham nhũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xác minh.

Trong kỳ, qua các hình thức kiểm soát hành chính, thụ lý tố giác và điều tra đã phát hiện 20 vụ, 46 người có dấu hiệu tham nhũng; đã khởi tố 18 vụ, 39 bị can. Tổng số tài sản tham nhũng phát hiện trong kỳ hơn 8,7 tỷ đồng; Hiện đã thu hồi hơn 8,2 tỷ đồng.

Nhìn chung, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong kỳ tuy có phát sinh nhưng đa phần đều được kịp thời chỉ đạo, xử lý theo quy định; các trường hợp chậm trễ, xử lý chưa phù hợp quy định trong quá trình xử lý thông tin tham nhũng đều được nhắc nhở, nghiêm túc kiểm điểm; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử về cơ bản đảm bảo yêu cầu đặt ra trong xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chưa tốt một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, còn để xảy ra vi phạm tiêu chuẩn, định mức, chế độ; chuyển đổi vị trí công tác để PCTN; tổ chức kê khai tài sản, thu nhập… Hình thức kỷ luật người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra tham nhũng theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ phát sinh nhiều bất cập xuất phát từ nguyên tắc áp dụng mức xử lý kỷ luật trách nhiệm lãnh đạo căn cứ theo mức án; nguyên tắc này chưa xử lý được đối với tình huống sai phạm xảy ra tại nhiều giai đoạn lãnh đạo phụ trách khác nhau…



Các thành viên đoàn giám sát nêu ý kiến

Các thành viên đoàn giám sát nêu nhiều ý kiến góp ý đối với công tác tuyên truyền chưa tập trung vào nhóm giải pháp PCTN; công khai minh bạch các hoạt đông của tổ chức, đơn vị chưa đúng theo quy định; tuy có xây dựng định mức quy chế chi tiêu nội bộ nhưng quá trình công khai minh bạch tài sản, chi phí mua sắm chưa đảm bảo, có trường hợp đã dẫn đến sai phạm; công tác điều tra, xét xử kéo dài thời gian; cần quan tâm thực hiện công tác chuyển đổi vị trí công tác; lực lượng tham mưu thực hiện công tác PCTN; kiểm soát xung đột lợi ích…


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy nêu ý kiến

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy đánh giá cao việc tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công tin, không dùng tiền mặt đạt được một số kết quả khả quan, cần tiếp tục nhân rộng ở nhiều lĩnh vực; cần tiếp tục quan tâm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; đẩy mạnh tố giác tội phạm.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong ghi nhận các ý kiến của đoàn giám sát

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong ghi nhận các ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, nhấn mạnh, ba năm qua, trong quá trình chỉ đạo thực hiện công tác PCTN ở Tây Ninh luôn bám sát các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương. Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác tuyên truyền, công khai minh bạch, xây dựng định mức quy chế chi tiêu nội bộ; nổi lên trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên khoáng sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chưa tốt. Các vấn đề đoàn giám sát đặt ra hoàn toàn xác đáng, tỉnh sẽ tập trung khắc phục những việc còn tồn tại, hạn chế.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thông tin thêm, đối với việc chuyển đổi vị trí công tác, năm 2019, tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đạt 55%; năm 2020 đạt 54% và năm 2021 đạt 63%, cho thấy, tỉnh đã thấy được tầm quan trọng của công tác này nên đã tích cực thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh những nguyên nhân chủ quan còn có những nguyên nhân khách quan, tới đây, tỉnh cũng sẽ quan tâm tiếp tục thực hiện nội dung này.

Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cũng như nâng cao công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả hơn; đề ra giải pháp để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, để cán bộ, công chức "không dám, không thể, không muốn" tham nhũng.


Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Ban Pháp chế cơ bản nhất trí với những kết quả, hạn chế và định hướng trong thời gian tới của UBND tỉnh trong thực hiện Luật PCTN; đồng thời nhấn mạnh, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đầy đủ, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác này; đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với trách nhiệm của người đứng đầu; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào công tác tuyên truyền, chuyển đổi vị trí công tác hàng năm, chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý các vụ việc tham nhũng.

Với những khó khăn UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo khắc phục, trong đó, củng cố đội ngũ làm công tác thẩm định giá, chỉ đạo ngành chức năng tập trung vào một số vụ việc liên quan tham nhũng, đã nhận diện một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thực hành kiểm tra, giám sát PCTN.

Theo Trưởng Ban Pháp chế, tới đây, cần thống nhất, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các biện pháp PCTN của tỉnh cần gắn với tinh thần của Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 05/11/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2025; đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhất là nơi dễ phát sinh tham nhũng, quán triệt các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương góp phần chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có minh bạch về tài chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tăng cường thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN; đề nghị UBND tỉnh sơ kết đánh giá công tác chuyển đổi vị trí công tác để có những kiến nghị đối với Trung ương sửa đổi quy định, thực hiện tốt hơn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và kế toán trường học nói riêng, các đơn vị sự nghiệp nói chung, nhất là kiểm soát quyền lực của người đứng đầu ở các đơn vị này; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc mới phát hiện, tăng cường tuyên truyền các vụ việc, vụ án tham nhũng đã được xử lý nhằm tạo sức răn đe trong xã hội. Đặc biệt, tới đây, việc thành lập Ban chỉ đạo PCTN tỉnh sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện PCTN trên địa bàn.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây