Chính phủ họp trực tuyến tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022

Thứ bảy - 01/10/2022 23:00 212 0
Sáng ngày 01/10, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tháng 9 với các địa phương đánh giá về tình tình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái.


Các địa biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Hội nghị còn được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân miền Trung khi cơn bão số 4 đổ bộ; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo sát tình hình, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp sớm khắc phục tình trạng thiệt hại do bão, lũ gây ra, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung vào đánh giá tình hình 9 tháng, những kết quả đạt được, mặt chưa được, nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở dự báo tình hình những tháng cuối năm đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ 3 tháng cuối năm cũng như cả năm 2022, nhất là ứng phó kịp thời với cơn bão vừa qua.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 tháng, nền kinh tế phục hồi rất tích cực; Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trên cả 03 khu vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân được thực hiện tốt. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các dịch bệnh mới phát sinh tiếp tục được chú trọng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Công tác đối ngoại được thực hiện linh hoạt, thiết thực, hiệu quả.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt kết quả như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực, các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả. chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 30%. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp với hình thức trải nghiệm đa dạng, phong phú, thu hút du khách, doanh thu du lịch tăng cả doanh thu và lượng khách, Tây Ninh đang là một trong bốn tỉnh có lượng khách du lịch cao nhất cả nước. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 21,4%; thu hút đầu tư trong nước tăng 53,9%.

Trên cơ sở kết quả 09 tháng đầu năm, dự báo tình hình Quý IV, Bộ kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, với mức tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, trong đó Quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%. Kịch bản 2, với tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, trong đó Quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%.


Các điểm cầu địa phương tham dự hội nghị

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thống kê sơ bộ, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đạt 61 ngàn tỷ đồng.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả rất khả quan. Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%, trong đó có tỉnh Tây Ninh với tốc độ tăng trưởng 11,52%.

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý IV - thời gian "nước rút" để "về đích", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo tinh thần chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2022.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây