Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chủ trì hội nghị
Cùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Lê Minh Khái.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, liên quan. Hội nghị còn được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực, chủ động các biện pháp phòng, chống cơn bão số 4 dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi; rút kinh nghiệm những đợt phòng chống mưa bão những năm trước, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Nhấn mạnh vai trò của giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị cần "mổ xẻ" hết sức nghiêm túc nguyên nhân, trách nhiệm giải ngân chậm dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong 9 tháng năm nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát… Trong đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là hơn 253.148 tỷ đồng, đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Vốn nước ngoài đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ năm 2021.
Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó có tỉnh Tây Ninh giải ngân đạt 77,4%).
Tuy nhiên, cũng có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong số này, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Minh chứng rõ ràng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 25 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chia thành 3 nhóm, gồm nhóm liên quan đến thể chế, chính sách (khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên-môi trường; lĩnh vực NSNN và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công); nhóm liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện và nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Trong các khó khăn đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Thực tế chứng minh, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt.
Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến ngày 23/9, có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; trong đó, có 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Với Tây Ninh, đến ngày 31/8/2022, tỉnh đã giải ngân 2.383 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến hết tháng 9 năm 2022 là 2.615 tỷ đồng, đạt hơn 77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 63% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đối với 3 chương trình Mục tiêu quốc gia, hiện nay, UBND tỉnh đã giao 100% kế hoạch vốn thực hiện năm 2022, đồng thời, ban hành các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của trung ương để các đơn vị liên quan căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, phê bình và đề nghị các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm.
Trong thời gian còn lại của năm 2022, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Cơ bản thống nhất với 8 nhiệm vụ, giải pháp theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là người đứng đầu; tăng cường hiệu quả hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa các thủ tục hành chính; nâng cao kỷ luật kỷ cương; năng lực chuẩn bị các dự án, không dàn trải.
Các địa phương cố gắng triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cùng sự kiểm tra, đôn đốc của các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng sự mong đợi của người dân ở các vùng khó khăn.
Đồng thời, biểu dương các cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc nêu kết quả, mặt được, hạn chế, nguyên nhân cần đề xuất, gợi ý giải pháp để cùng góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.
XV