Phải có ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020

Thứ hai - 21/01/2019 17:00 72 0
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2019 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh diễn ra vào chiều ngày 18/01.

IMG_0339.JPG

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân khẳng định, năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh nhà nổi bật với nhiều cái mới, như đã chủ động, nỗ lực cao trong công việc; đi sâu vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm là tái cơ cấu ngành; đồng hành với các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp, các huyện, thành phố) trong quá trình sản xuất nông nghiệp; có sự quyết liệt, sâu sát cơ sở hơn, hiểu và giải quyết ngay tại cơ sở nhiều vấn đề, nhiều hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; hợp tác liên doanh, liên kết trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho nông dân được đi nhiều nơi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng phát triển nông nghiệp tỉnh nhà. Công tác kiểm tra của ngành cũng được thực hiện tốt, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

IMG_0373.JPG

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị

Điểm lại kết quả đạt được thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngành đã triển khai nhiều dự án, nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực như Dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông sang các xã, các huyện phía Tây sông Vàm Cỏ, dự kiến tưới cho 17.000 ha với nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng; trình cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng góp phần thực hiện tái cơ cấu, quy hoạch thủy lợi cũng đã được thông qua, chuẩn bị thông qua Đề án chuỗi giá trị và các cụm ngành nông nghiệp của tỉnh, cơ cấu cây trồng đang có sự chuyển hướng tập trung, chuyên môn hóa sâu tạo ra những sản phẩm chủ lực, những sản phẩm có thương hiệu để "chúng ta có thể có tiếng nói trên thị trường trong nước và nước ngoài", Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Dần hình thành những vùng chuyên canh gắn với thị trường, gắn với công nghiệp chế biến; phối hợp với Công ty Lavifood, Tập đoàn Nafoods góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, bằng chứng là đã có nhà máy Tanifood ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm "Nafoods đã ký hợp tác chính thức và đang triển khai một số việc mà đặc biệt là triển khai vùng nguyên liệu của mình". Năm 2018, ngành đã xây dựng, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau củ quả, cây ăn trái thực phẩm.

Trong Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, tỉnh  công nhận thêm 9 xã, nâng tổng số lên 36 xã/80 xã toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, gần đạt con số 50% số xã đạt nông thôn mới vào năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. "Quan điểm là không phải đạt nông thôn mới chỉ là tấm bảng, tên gọi mà bản chất của nông thôn mới để đời sống về vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Đó mới là cái lớn", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Quan trọng hơn là đạt thêm chuẩn nông thôn mới nâng cao vì chuẩn này rất khó đạt, nhưng phải phấn đấu đạt, không phải vì thành tích mà vì đời sống của người dân được nâng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã xây dựng tiêu chí nâng cao đang trình UBND tỉnh ban hành và tiến hành thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi: "Nông thôn mình giờ rất xanh, sạch, đẹp, đường sá phẳng phiu sạch sẽ, khung cảnh rất đẹp".

Nếu không có gì thay đổi, tỉnh sẽ được tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng ADB tài trợ. Tỉnh đã làm việc với Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn để phát triển nâng cao Đề án chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái từ nguồn vốn vay ADB, đề xuất nguồn vốn vay khoảng 2.500 tỷ USD với những dự án quan trọng như Dự án trạm bơm cho các huyện phía Bắc của tỉnh, làm chợ đầu mối điện tử giao dịch bằng công nghệ, đầu tư Trung tâm dịch vụ kỹ thuật thiết bị vật tư nông nghiệp. Khi được thông qua thì là đây là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp phát triển.

Về định hướng năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành cần nhận diện những khó khăn, thách thức của năm 2019. Đó là tình hình thời tiết và dịch bệnh tiếp tục có nguy cơ đe dọa nền nông nghiệp rất lớn. Ảnh hưởng của bão, biến đổi khí hậu gây ngập hàng ngàn ha đất của một số huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Trảng Bàng năm 2018 gây thiệt hại nhiều, do đó, nếu không chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thì làm nông nghiệp rất phức tạp.

Giá cả một số nông sản có lúc sẽ xuống thấp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của bà con, rõ nhất là cây mía hiện nay. Riêng về cây mì thì Ban chỉ đạo quốc gia đã họp bàn giải pháp xử lý bệnh khảm lá được tổ chức tại Tây Ninh đã có hướng xử lý cùng với nhiều giải pháp được đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh động viên nông dân yên tâm "trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ dần khống chế được bệnh này".

Cây mía tuy đối mặt với nhiều khó khăn nhưng sẽ có những giải pháp trước mắt, tuần tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có một cuộc họp cùng trao đổi người trồng và nhà máy, tìm ra những tiếng nói chung nhất có thể giải quyết những khó khăn hiện nay giữa cho cây mía.

Về phương thức sản xuất của nông dân hiện nay, người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, khi đã hội nhập kinh tế quốc tế mà làm theo kiểu hiện nay rất khó, trong năm 2019 sẽ quyết liệt chuyện này hơn. "Muốn vậy, chúng ta phải sản xuất theo quy trình quy chuẩn GlobalGAP, VietGAP, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Muốn có được điều này thì người nông dân phải là người nông dân 4.0 mới giải quyết được vấn đề hội nhập kinh tế, mà đặc biệt là kinh tế quốc tế".

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định về những nhiệm vụ, giải pháp phải làm trong năm 2019, trong đó có quy định cho ngành nông nghiệp phải thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp góp phần khắc phục những hạn chế khó khăn thách thức trên.

Phải đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là Dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý vay vốn Dự án ngân hàng ADB.  Mỗi ngành, địa phương trong tỉnh cần nỗ lực thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình cùng phối hợp đạt kết quả tốt.

Sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án chuỗi giá trị nông nghiệp, khi đã có đề án thì những chuyện từ giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân phối, lưu thông đều sẽ có quy trình, quy chuẩn, tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phải thông qua đề án Mỗi xã một sản phẩm theo hướng dẫn của cấp trên; hoàn chỉnh các quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho dân. "Làm sao phải thông qua được và các chính sách này phải đi vào đời sống đó mới là điều quan trọng. Phải làm tốt, làm sớm để nâng cao hiệu quả của các đề án, chính sách này", đề nghị các ngành, các cấp cùng hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện.

Cùng tháo gỡ khó khăn cho cây mía và cây mì; hỗ trợ nhà máy Tanifood và Nafoods hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, "Chúng ta cố gắng làm sao để trong năm 2019, chúng ta có thể triển khai kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp của tỉnh vì không có giống tốt phù hợp với Tây Ninh thì khó lắm", Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.  

Làm sao năm 2019 làm điểm gắn nông nghiệp với du lịch, thực hiện mô hình du lịch vườn, du lịch nông nghiệp hữu cơ tăng thu nhập nông dân. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, cần giữ vững chuẩn nông thôn mới của 36 xã và phấn đấu đạt chuẩn nâng cao; phải đạt 50% số xã, tức là phải có ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020; những xã còn lại chưa đạt nông thôn mới phải đạt ít nhất là 16 tiêu chí/19 tiêu chí trở lên. "Đó là Nghị quyết, các đồng chí phải ráng mà làm".

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, phấn đấu đến hết năm 2020, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hiện nay mới ước mơ tới một nông thôn đẹp; cũng thời điểm đó, huyện Hòa Thành và thành phố Tây Ninh đạt chuẩn nông thôn mới; lo thực chất đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là chính trong xây dựng nông thôn mới, không được chạy theo thành tích.

Nhân dịp năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh chúc sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức ngành nông nghiệp và chúc cho ngành nông nghiệp đạt được những bước phát triển mới.

IMG_0382.JPG

Các hợp tác xã, tổ hợp tác nhận giấy chứng nhận VietGAP

IMG_0389.JPG

Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN

Dịp này, 32 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được trao chứng nhận VietGAP. Tập thể Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 6 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2018.

XV





Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây