Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Thứ sáu - 29/10/2021 19:00 77 0
Thực hiện Chương trình làm việc ngày thứ 10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận các nội dung đã được trình tại kỳ họp.

​Buổi sáng, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Buổi chiều, với sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Sau đó, các tổ đại biểu thảo luận ở tổ về các nội dung vừa được trình bày.

 

Các đại biểu thảo luận ở tổ

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, góp ý về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu khá rõ ràng, chi tiết cả ở chiều rộng và chiều sâu. Sau khi Chính phủ có chương trình hành động, Chính phủ sẽ phát huy vai trò là “nhạc trưởng”, định hướng cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình hành động của mình, tránh tình trạng sao chép văn bản, rập khuôn máy móc như trước đây.

Theo cách tiếp cận của mình, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình; từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. Theo lý giải của đại biểu, nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những “nút thắt” thì cũng như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được một số điểm nghẽn.

 

Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị cơ cấu lại nền kinh tế bắt đầu từ xác định “nút thắt” của mỗi ngành, mỗi địa phương

“Cơ cấu lại nền kinh tế bắt đầu từ xác định “nút thắt” của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những “nút thắt” này được khái quát lên từ những mâu thuẫn đang hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân. Cơ cấu lại nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó phải giải quyết được những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển” - đại biểu Trần Hữu Hậu nêu rõ.

Góp ý về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết là đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng là 42-43% là phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tuy nhiên cũng trong chiến lược này có đề ra đến 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với 2020. Do đó, quy hoạch cần tính toán đến phần diện tích này.

 

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị quy hoạch đất lúa không dàn trải, không nhất thiết vùng nào, địa phương nào cũng duy trì diện tích đất lúa

Liên quan đến tỷ lệ che phủ rừng, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về diện tích trồng mới rừng hiện nay không thể bù đắp được giá trị hàng chục nghìn ha rừng nguyên sinh bị mất hoặc thay thế. Còn tình trạng tỷ lệ che phủ cây chứ không phải tỷ lệ che phủ rừng, không bù đắp được rừng sinh thái bị mất đi. Báo cáo độ che phủ rừng tăng qua các năm nhưng sạt lở, lũ lụt, xói mòn đất do mất rừng, mất thảm thực vật cũng tỷ lệ thuận theo. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chính phủ đã có tính toán đến số diện tích đất mất đi hàng năm do sạt lở ven sông, ven biển diễn ra ngày càng phức tạp, mất hàng trăm ha đất mỗi năm ở các địa phương ven biển. Dự kiến đến năm 2030, có khoảng 19,87 nghìn ha đất lúa bị mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo của Chính phủ có nội dung “linh động chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhưng không làm mất đi các điều kiện phù hợp để khi cần thiết có thể vẫn trồng lúa trở lại”, đại biểu lại băn khoăn: “Liệu chuyển lại trồng lúa được không khi khoáng chất, dinh dưỡng đất, tầng chất hữu cơ đã mất đi thì việc trồng lúa sẽ không còn năng suất nữa. Nếu có thì phải đánh giá giai đoạn 2011-2020 để có cơ sở và cũng quy hoạch rõ loại đất có khả năng chuyển đổi này”.

Đại biểu còn đề nghị, quy hoạch đất lúa không dàn trải, không nhất thiết vùng nào, địa phương nào cũng duy trì diện tích đất lúa. Đại biểu thống nhất quy hoạch 3,5 triệu ha đất lúa, tuy nhiên, cũng đề nghị quy hoạch vùng trồng đất lúa trên cơ sở có các điều kiện để nâng cao năng suất lúa, nhất là quy hoạch tại vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long. Các vùng còn lại, tùy tiềm năng mà có sự phát triển phù hợp.

QN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây