Tây Ninh sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP

Thứ ba - 26/10/2021 14:00 148 0
Sáng ngày 26/10, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các địa phương trong tỉnh nhằm sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tại hội nghị, đồng chí Dương Quốc Sinh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, có 12 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách này.

Tính đến ngày 21/10/2021, chỉ có hai nhóm là nhóm 3 (hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động) và nhóm 6 (hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) là chưa phát sinh hồ sơ.


Đồng chí Dương Quốc Sinh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh đã phê duyệt 104.310 người với tổng số tiền hơn 156 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 15,3 % so với dự toán kinh phí hỗ trợ. Các ngành, địa phương đã chi trả cho 90.193 người, số tiền hơn 135 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 86% so với tổng số đã được phê duyệt.

Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt 96.677 người thuộc nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác, với số tiền hơn 145 tỷ đồng. Các địa phương đã chi trả 83.265 người, số tiền hơn 124 tỷ  đồng, đạt tỉ lệ 86,1 % so với tổng số phê duyệt. Trong số này, có 11.695 lao động bán lẻ vé xổ số kiến thiết được phê duyệt hồ sơ với số tiền hơn 17,5 tỷ đồng. Các địa phương đã chi trả cho 11.618 người với số tiền hơn 17,4 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 99,3% so với số UBND tỉnh đã phê duyệt.

Các đối tượng thuộc các nhóm đều đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, chi trả theo đúng chế độ. Trong đó đáng chú ý là phê duyệt 7.245 trẻ em và người đang điều trị COVID - 19, cách ly y tế với số tiền hơn 9,9 tỷ đồng, đạt 18,1% so với nhu cầu dự toán; đã chi trả cho 6.540 người với số tiền hơn 8,9 tỷ đồng, đạt 90% so với số đã được phê duyệt.

Để đảm bảo việc phê duyệt, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 2 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP gồm: Hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc và các đối tượng đặc thù và hỗ trợ hộ kinh doanh.

Qua ý kiến của các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, qua thực hiện, các địa phương gặp khó khăn trong khi thẩm định, phê duyệt hồ sơ, còn trùng lắp; khi chi trả trong thời gian dịch bệnh, đảm bảo khoảng cách nên có huyện chưa chi trả 100% hồ sơ đã được phê duyệt; với đối tượng hộ kinh doanh, hồ sơ giải quyết chậm; việc đăng ký trên app bị trùng lắp thông tin nhiều, tốn nhiều thời gian thẩm tra, xác minh…Các địa phương cũng thống nhất theo đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phân cấp quyền về cho cấp huyện phê duyệt hồ sơ đối với một số đối tượng.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, đúng đối tượng, tránh trùng lắp

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh, cần triển khai các chế độ chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, không để sót; rút kinh nghiệm qua thời gian thực hiện, cần làm cho chặt chẽ, tránh chi trùng đối tượng, nhầm đối tượng phải thu hồi. Với sự thống nhất của các địa phương về cơ chế ủy quyền xử lý hồ sơ nhanh hơn, gọn hơn đối với một số đối tượng, tỉnh sẽ hoàn chỉnh thủ tục để chính thức ban hành văn bản thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến đóng góp, điều chỉnh lại một số nội dung; nếu cần thiết bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn thục hiện sao cho thuận lợi, dễ kiểm soát; đề nghị đưa căn cước công dân là điều kiện bắt buộc để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ nhằm tăng độ chính xác, hạn chế thấp nhất trùng lắp hồ sơ và cần làm kỹ từ ở cơ sở, đến cơ quan của tỉnh.

Tỉnh sẽ khẩn trương thẩm định các hồ sơ đang tiếp nhận để các địa phương tổ chức chi trả cho kịp thời, tránh tồn đọng đối với những hồ sơ đã được phê duyệt, góp phần giảm bớt phần nào khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây