Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến 1 dự thảo luật và 4 dự thảo Nghị quyết

Thứ sáu - 22/10/2021 16:00 189 0
Sáng ngày 22/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc tại hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

HopQuocHoi-1.jpg

Các đại biểu nghe các tờ trình tại hội trường sau đó tiến hành thảo luận tại tổ

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về 4 dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

 HopQuocHoi-2.jpg

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu ý kiến thảo luận

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đại biểu Huỳnh Thanh Phương bày tỏ sự đồng tình đối với việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết này và cho rằng đây là một trong những nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cho địa phương, để địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế-xã hội mang tính đặc thù nhằm tạo phát triển tốt hơn.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, trước đây trong luật cũng đã có phân cấp rất nhiều, nhưng phân cấp không đi đôi với phân quyền đã làm hạn chế rất lớn đến sự chủ động của địa phương, gây khó khăn trong thực hiện. Việc phân quyền có điều kiện gắn liền với cơ chế giải trình, cơ chế chịu trách nhiệm của địa phương trước trung ương và công tác kiểm tra, giám sát. Phân cấp, phân quyền nhưng Trung ương vẫn không buông lơi. Rất đồng tình với chủ trương này, trong thực tế nước ta đã thực hiện rồi. Trong Quốc hội khóa XIV vừa rồi đã có ra nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nội. Một số địa phương hiện đang triển khai thực hiện rất tốt, nhất là Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV về vấn đề cơ chế chính sách cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển, là cơ hội giúp Thành phố mở rộng dư địa phát triển. Tương tự vậy, các tỉnh, thành được ra nghị quyết lần này sẽ có nhiều cơ hội, dư địa để phát triển địa phương mình tốt hơn.
“Hải Phòng hiện đang trên đà phát triển rất lớn, có lợi thế là cảng biển, công nghiệp và hậu công nghiệp, phát triển du lịch, nghị quyết này sẽ là cơ chế này sẽ tạo cơ hội phát triển. Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cũng vậy. Chủ trương xây dựng nghị quyết này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, tôi rất ủng hộ, mong là sẽ được thông qua tại kỳ họp này để giúp cho các địa phương có điều kiện phát triển. Hiệu lực cũng đồng tình, 5 năm, thí điểm có hời điểm 2021-2025, sau đó đánh giá tổng kết, giữa kỳ có đánh giá” -đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.
Góp ý về nội dung, đại biểu Huỳnh Thanh Phương còn băn khoăn 2 điều. Thứ nhất là cơ chế thu từ xử lý nhà đất. Dẫn chứng từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 54 cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, đến giờ này vẫn chưa thu được, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá, cân nhắc để Quốc hội quyết định sao cho hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất, tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức từ cải cách tiền lương còn dư, nhưng hiện nay khống chế ở mức 0,8%. Nếu nguồn của địa phương tốt thì nên mở rộng biên độ này ra, có thể từ 0,8 đến 1% tổng quỹ lương để kích thích khả năng làm việc của cán bộ, công chức cũng như có điều kiện để giữ chân, phát triển người tài ở lại công tác tại địa phương, làm theo năng lực hưởng theo lao động

 HopQuocHoi-3.jpg

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy kết luận nội dung thảo luận

Kết luận buổi thảo luận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Thị Thanh Thúy thống nhất với ý kiến của đại biểu Huỳnh Thanh Phương và cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đồng thuận cao với chủ trương xây dựng 4 dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, các dự thảo nghị quyết hoàn toàn phù hợp trình tự, thủ tục ban hành văn bản được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh đây là chủ trương rất phù hợp nhằm phân cấp, phân quyền cho các địa phương để các địa phương phát triển, khai thác các vùng đất kém hiệu quả trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để làm đòn bẩy cho cả vùng. Đại biểu cũng thống nhất đề nghị Chính phủ, bên cạnh việc phân cấp, phân quyền cần gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm tra giám sát để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả.

Gia Thọ



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây