Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020

Thứ tư - 20/10/2021 11:00 126 0
Chiều ngày 19/10, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh để giám sát tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020.


Quang cảnh buổi làm việc

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Về phía UBND tỉnh, có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách địa phương (NSĐP) giai đoạn 2017-2020 đạt 30.061,5 tỷ đồng, đạt 104,2% kế hoạch và chiếm tỷ trọng 87,5% tổng thu. Thu NSĐP từ năm 2017-2019 đều đạt và vượt so với dự toán, riêng năm 2020 không đạt so với dự toán HĐND tỉnh giao (97,58%) nhưng đạt chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, nguyên nhân là do việc thu từ đất theo Nghị định 167/2027/NĐ-CP không đạt, việc sắp xếp sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp còn chậm.

Giai đoạn 2017-2020, có 09/16 khoản thu đạt và vượt so với dự toán (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thu tiền sử dụng đất nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; Lệ phí trước bạ; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Tiền sử dụng đất; Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) và 07/16 khoản thu không đạt so với dự toán (Thu từ doanh nghiệp nhà nước do trung ương và địa phương quản lý; Thuế bảo vệ môi trường; Thu phí, lệ phí; thu tiền thuê đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu tại xã; thu khác ngân sách).

Trong thu NSĐP giai đoạn 2017-2020, nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh là 02 nguồn thu chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa, tuy nhiên nguồn thu tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm chưa cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,7% và có chiều hướng giảm dần (năm 2018 tăng trưởng 22,5%, năm 2019 là 15,7%, năm 2020 là 1,7%).

Một số nguồn thu mới được khai thác là thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, thu từ hoạt động kinh doanh điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên việc quản lý các nguồn thu này còn gặp khó khăn về cơ sở pháp lý nên chưa khai thác hiệu quả.

Qua khảo sát tại các đơn vị, HĐND tỉnh ghi nhận, giai đoạn 2017 - 2020, thu ngân sách trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hàng năm hầu hết đều đạt và vượt dự toán. Trong đó, năm 2017 có 02 huyện thu chưa đạt dự toán (huyện Tân Biên đạt 89,32% dự toán, huyện Tân Châu đạt 97,7%). Năm 2020 có 02 huyện chưa đạt dự toán (huyện Bến Cầu đạt 52,54% dự toán, huyện Tân Châu đạt 88,6%), nguyên nhân việc giao dự toán từ nguồn thu đất theo Nghị định 167/2027/NĐ-CP không đạt.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, thu ngân sách đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế-xã hội và đã tạo ra tích lũy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết thêm, năm 2021 quy mô thu ngân sách của tỉnh Tây Ninh xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố. Sau 5 năm thứ hạng không thay đổi, tuy nhiên so với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, thì Tây Ninh xếp thứ 6/6 tỉnh, thành phố. Tỷ trọng thu ngân sách của Tây Ninh đóng góp vào thu ngân sách cả nước ở mức 0,78%, vùng Đông Nam bộ  là 1,87%. Mức huy động từ GRDP vào ngân sách cả giai đoạn đạt 11,2%, hơn giai đoạn trước 0,9%. Tốc độ tăng thu bình quân hàng năm 10,2%, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh đặt ra. Về cơ bản, thu ngân sách đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế-xã hội và đã tạo ra tích lũy. Cơ cấu thu ngân sách ngày càng ổn định, bền vững hơn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận hai hạn chế lớn nhất là mặc dù tốc độ thu ngân sách hàng năm đều tăng, song tỷ lệ tăng còn hạn chế, chưa có bước đột phá nhảy vọt, nên trong thời gian 5 năm (2017-2021) vị trí thứ hạng Tây Ninh so với các tỉnh thành không đổi và có nguy cơ tụt hậu. Số thu từ đất mặc dù được quan tâm chỉ đạo và số thu từ nguồn này có tăng hàng năm gần đây nhưng tỷ trọng huy động nguồn thu này vẫn còn thấp (chiếm 5,1% tổng số thu). Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị.



Các đại biểu nêu ý kiến

Các thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề và được các cơ quan chuyên môn của tỉnh giải trình về nguyên nhân chủ quan, một số nguồn thu tiềm năng để chuyển thành hiện thực, dự kiến phân cấp, phân quyền cho huyện như thế nào cho phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển,…


Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, trong giai đoạn 2017-2020, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra, mặc dù gặp khó khăn trong năm 2020 do tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung là trong cả giai đoạn đạt được kế hoạch đề ra và có tăng, cả về số lượng và chất lượng, căn bản nhất là tăng thu nội địa. Trong tổ chức và quản lý thực hiện thu, tỉnh có những biện pháp cải tiến càng ngày càng tốt hơn, nhằm quản lý chặt các nguồn, đảm bảo thu đúng, thu đủ.

Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá sâu về nguồn lực thu, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về thu ngân sách, có những nguồn thu chưa đạt kế hoạch dự toán; sự phối hợp giữa các ngành giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức quản lý thu chưa thật sự đồng bộ, có những việc bị vướng, bị chậm trong việc tạo ra nguồn thu, tổ chức thu, rõ nhất là trong thủ tục về đất đai.

Qua khảo sát cho thấy, tỉnh vẫn còn những tiềm năng có thể khai thác nguồn thu tốt hơn. Về đảm bảo việc phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia giữa tỉnh với huyện trong thời gian tới, qua đánh giá hiện nay, các địa phương trong tỉnh cân đối thu chi thì đảm bảo, nhưng mong muốn được tăng quyền tự chủ.

Để có cơ sở quyết định việc này, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh có phân tích, đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của các huyện trong thời gian vừa qua; đồng thời dự kiến phương hướng để tiếp tục thực hiện phân cấp này, gắn với nhiệm vụ chính trị đang thực hiện là tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở, với nguyên tắc phải tương xứng giữa phân cấp, phân nhiệm vụ với nguồn lực để đảm bảo tăng tính chủ động cho các huyện, đảm bảo tính ổn định, hài hòa trong trách nhiệm.

Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh về cách thức tăng nguồn thu thông qua phát triển kinh tế-xã hội và sẽ tiếp tục nghiên cứu. Trước mắt, UBND tỉnh cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường, thủ tục kinh doanh, hướng đến tăng nguồn thu trong thời gian tới.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây