Các đại biểu Quốc hội điểm cầu tỉnh Tây Ninh thực hiện nghi thức chào cờ
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự Kỳ họp, có đồng chí Nguyễn Đài Thy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Khóa XV: đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Bí thư Huyện ủy Gò Dầu và đồng chí Trần Hữu Hậu - Hội viên Hội Luật gia tỉnh và lãnh đạo các Ban, HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham dự phiên khai mạc.
Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu Hà Nội
Trước khi tiến hành phiên chính thức, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị, nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bằng hệ thống điện tử.
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bấm nút biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra dưới sự điều hành của đồng chí Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.
Đến dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh trong nước dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, diễn biến nhanh khó lường, khó kiểm soát, đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của nhân dân. Phát triển kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5 đến 3%, thấp xa so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra (khoảng 6%).
Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng trưởng âm. Nợ xấu ngân hàng tăng, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy và gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tại các địa bàn như thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn kinh tế trọng điểm khác. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề, công tác an sinh xã hội, có lúc có nơi còn bất cập, cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến tâm trạng xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước những thách thức, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng hành vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên pham vi toàn quốc.
Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tuy không đạt như so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, nông nghiệp tăng trưởng khá, vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cả nước đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.
Quốc hội chia sẻ sâu sắc những mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân đã phải gánh chịu; đồng thời ghi nhận, tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhất là lực lượng y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng, cống hiến hết mình vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn sinh mạng, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án Luật khác, bao gồm Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Nghị quyết quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng; xem xét ban hành Nghị quyết chung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội còn xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2022-2024; về lùi thời điểm thực hiện công tác cải cách chính sách tiền lương; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét quyết định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong ngày khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội kết thúc nội dung phiên làm việc buổi sáng. Buổi chiều, tiếp tục làm việc theo nội dung, chương trình đề ra.
Được biết, trong đợt 1 (diễn ra từ ngày 20/10 đến 30/11), Quốc hội họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Kết thúc đợt 1, Quốc hội tạm nghỉ ít ngày trước khi họp tập trung tại Nhà Quốc hội (đợt 2) từ ngày 08 đến 13/11/2021.
Quỳnh Như