Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Góp ý dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thứ sáu - 22/10/2021 16:00 123 0
Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

​Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật này.

 HopQuocHoi-CSCD-1.jpg

Tổ đại biểu Quốc hội số 52 thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận

Đối với Dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Huỳnh Thanh Phương -Tổ đại biểu Quốc hội số 52 thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh thống nhất Tờ trình của Chính phủ là việc nâng tính chất pháp lý từ Pháp lệnh lên Luật để khắc phục các hạn chế, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và nêu ý kiến, chi tiết về nội dung thì Luật còn mâu thuẫn, chồng chéo với các dự án luật khác.

Cụ thể, tại Điều 3 Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động xác định: “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, quy định này đang mâu thuẫn với Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 tại các điều, khoản.

“Tại khoản 2 Điều 21 Lực lượng vũ trang được trang bị tàu bay, tàu thuyền. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo việc quy định này có cần thiết không?. Đề nghị đánh giá tác động về việc trang bị này, nếu trang bị thì như thế nào? Không trang bị thì như thế nào? Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm  quy định này theo hướng “không cần thiết trang bị tàu bay, tàu thuyền”. Bởi thực tế hiện nay, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng chưa có vướng mắc lớn. Nếu có sử dụng phương tiện này thì đó chỉ là các tình huống Quốc phòng”- đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu.

Đại biểu Trần Hữu Hậu lại cho rằng, chức năng của Cảnh sát là xuất hiện kịp thời giải quyết các tình huống cấp bách, khẩn cấp mà lực lượng quân đội không được phép can thiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn ra diện rộng thì Cảnh sát cơ động để đảm bảo an ninh chính trị thì cần phải có đội ngũ lực lượng mạnh, có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. “Do đó, theo tôi việc trang bị tàu bay, tàu thuyền cho đội ngũ cảnh sát cơ động nên có. Có thể mất nhiều công sức, tiền của để bảo dưỡng nhưng khi trong các tình huống cấp thiết thì phải có lực lượng này thực hiện nhất là các tình huống liên quan đến bạo loạn, bạo động gây mất an ninh trật tự, thậm chí an ninh chính trị, an ninh quốc gia. Nếu để sự cố xảy ra thì chúng ta mới quy định thì sẽ không kịp thời xử lý các tình huống bất khả kháng”- đại biểu Trần Hữu Hậu nêu.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, tại Điều 13 về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, thống nhất Phương án 2 và đề nghị Chính phủ cụ thể hóa các quy định. Thống nhất việc trang bị tàu thuyền, tàu bay cho Cảnh sát cơ động là cần thiết trong tình hình hiện tại, lực lượng này cũng phải đủ mạnh, đủ lực để giải quyết các tình huống cấp bách phát sinh…để thi hành nhiệm vụ.

Theo đại biểu Phạm Hùng Thái - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cơ quan trình có dự thảo Nghị định kèm theo là một tiến bộ đáng ghi nhận của cơ quan trình, còn có dự thảo của 04 Thông tư có liên quan.

Đại biểu Phạm Hùng Thái góp ý, Điều 3 xác định Cảnh sát cơ động “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, việc xác định nhiệm vụ chưa đảm bảo tính đồng bộ với các quy định khác, cơ quan trình làm rõ thêm ngoài lực lượng cảnh sát cơ động còn có lực lượng nào chuyên trách trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia nữa không (có sử dụng biện pháp vũ trang); bổ sung cho rõ là lực lượng đặc biệt, nòng cốt, chuyên trách, của Công an nhân dân thực hiện biện pháp vũ trang trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngoài ra, tại Điều 28 quy định thẩm quyền của “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong phạm vi thẩm quyền của minh, có trách nhiệm ban hành chính sách nhà ở xã hội cho chiến sĩ cảnh sát là không phù hợp, có sự trùng lắp tại khoản 6 Điều 49 của Luật Nhà ở xã hội, do đó, không cần thiết quy định lại nội quy này.

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, với quyền tác giả hay về nhãn hiệu thì xử lý hành chính ngay được nhưng nếu về quyền sáng chế thì xử lý hành chính sẽ không phù hợp. Năng lực của cơ quan hành chính có hạn với loại hình này thì chuyển sang dân sự. Việc quy định xử lý hành chính sẽ dẫn đến việc khiếu nại tố cáo thì rất nặng nề cho dân và các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu quy định ở vấn đề dân sự thì có 03 cấp để xử lý. Đối với các trường hợp cơ quan nhà nước phát hiện hành vi vi phạm mà không được cơ quan nhà nước giải quyết tranh chấp thì được cơ quan nhà nước giải quyết bằng xử lý hành chính.

Đại biểu Phạm Hùng Thái- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, trường hợp cơ quan nhà nước phát hiện tổ chức cá nhân vi phạm lĩnh vực này nhưng người chủ sở hữu chưa phát hiện thì cơ quan nhà nước có quyền xử lý hành chính về vi phạm này, trường hợp có tranh chấp 02 bên thì xử lý theo quy định pháp luật.

Đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị khi Luật đã qua nhiều lần sửa đổi nên ban hành Luật mới thay thế, Luật sở hữu trí tuệ đã qua 3 lần sửa đổi: Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 được sửa đổi 2 lần và đến nay lại sửa đổi đến 90 điều, đề nghị Ban soạn thảo nên hệ thống lại và quyết định hình thức là Luật thay thế hay sửa đổi cho phù hợp, tránh trường hợp khó tra cứu.

Gia Thọ


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây