Trả lời:
Về công tác triển khai xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và trên các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã hiện nay được giao cho Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (đơn vị trúng thầu thi công) xử lý theo hợp đồng số 141/HĐ-XLLB, thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng, kể từ ngày 01/12/2022. Hiện tại, Công ty đang triển khai thực hiện Phương án xử lý lục bình trên sông vàm Cỏ Đông và trên các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Đối với nội dung ý kiến, kiến nghị của Cử tri, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh đã thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, khảo sát thực tế tình trạng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông từ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đến khu vực xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 4, tại một vài vị trí khúc cua trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn còn tình trạng lục bình xuất hiện cục bộ vào một thời điểm nhất định trong ngày gồm những nguyên nhân sau: do sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài khoảng 105km và nhiều khúc cua, thượng nguồn tiếp giáp với Campuchia và hạ lưu tiếp giáp với tỉnh Long An, vào mùa khô dòng nước chảy chậm nên lục bình động lại tại những khúc cua, gây khó khăn cho phương tiện thủy có công suất nhỏ lưu thông; năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trên sông thấp, dòng chảy chậm nên lục bình phát triển nhanh hơn mọi năm, kết hợp với người dân tháo chà đánh bắt cá, lục bình tại những nơi này được đẩy ra sông. Do đó, chưa xử lý kịp thời làm cho tắc nghẽn cục bộ.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công. Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Công ty trang bị thêm thiết bị trục vớt lục bình để đạt hiệu quả cao hơn, (tính toán đầu tư bổ sung thiết bị nhiều hơn số lượng thiết bị theo hợp đồng), đảm bảo trong mùa khô, lúc mực nước thấp nhất lục bình không làm cản trở lưu thông các phương tiện giao thông thủy (Hiện tại, đơn vị thi công đã đầu tư thêm 02 chiếc cuốc và 01 băng chuyền để vớt lục bình so với phương án được phê duyệt là 03 máy vớt, 3 máy băm (máy băm được sử dụng khi lục bình dầy đặc, máy băm sẽ băm lục bình ra từng mảng để máy vớt đạt công suất, hiệu quả cao nhất)) và bố trí nhân viên tăng ca liên tục làm việc từ 10 đến 12 giờ/ngày để trục vớt lục bình, máy móc hoạt động hết công suất.
Hiện nay, tình trạng lục bình đã giảm đảm bảo cho phương tiện thủy lưu thông thuận lợi, an toàn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục làm việc với đơn vị thi công nghiên cứu thêm phương án xử lý, kể cả đầu tư thêm phương tiện, thiết bị trục vớt, tăng ca làm việc đảm bảo đẩy nhanh tiến độ xử lý lục bình đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công phải thường xuyên kiểm tra tình trạng mật độ lục bình trên sông và trên các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã để điều động, bố trí phương tiện xử lý lục bình kịp thời, không để xảy ra ùn ứ lục bình cục bộ, đảm bảo cho các phương tiện thủy tham gia giao thông lưu thông thuận lợi và an toàn.