Trả lời:
Trong năm 2023, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch thực hiện và Công văn đôn đốc việc tăng cường công tác quản lý người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh.
Trong năm, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 18 lượt kiểm tra tình trạng người lang thang, xin ăn, tiếp nhận 13 trường hợp người lang thang, xin ăn vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng Người có công tỉnh, trong đó, đã bàn giao về địa phương 01 trường hợp, bàn giao cho chính quyền Vương quốc Campuchia 02 trường hợp, 07 trường hợp bỏ trốn khỏi Trung tâm, còn lại 03 trường hợp đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, hiện nay Trung tâm đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thân nhân và tạo điều kiện đưa 03 đối tượng này trở về gia đình, cộng đồng.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 34 người lang thang, xin ăn, trong đó có 02 người Việt Nam và 32 người nghi là người Campuchia (08 trẻ em), tập trung nhiều ở huyện Gò Dầu, Thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các địa phương trên tiếp tục thực hiện rà soát, thu gom, lập hồ sơ bàn giao về Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng Người có công theo quy định.
*Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết dứt điểm đó là:
- Người lang thang, xin ăn thường bị lợi dụng, chăn dắt bởi những kẻ hám lợi, hoặc tự giả danh người khuyết tật, đưa trẻ em đi cùng để trục lợi từ lòng tốt của xã hội. Số lượng người lang thang, xin ăn hoạt động ở một số địa bàn với nhiều hình thức như: vừa bán vé số, vừa xin ăn; có trường hợp thông thạo địa bàn, dễ dàng lẩn tránh hoặc bỏ chạy khi gặp các cơ quan chức năng, nên khó tiếp cận và xác minh thông tin.
- Về khách quan, chính quyền các tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia chưa giải quyết triệt để tình trạng người dân vượt biên trái phép đến tỉnh Tây Ninh lang thang, xin ăn, nên số đối tượng này vẫn không thuyên giảm, dù mỗi đợt giao trả người đều được lập biên bản giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh với các tỉnh của Vương quốc Campuchia, trong đó chính quyền các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia cam kết sẽ giáo dục, tuyên truyền để các đối tượng người lang thang, xin ăn không tái phạm.
*Giải pháp giải quyết đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh:
Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương xây dựng, ban hành Đề án tập trung giải quyết đối tượng là người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giải quyết người lang thang, xin ăn, điều này không chỉ tăng cường hiệu quả của công tác giải quyết mà còn nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mọi người trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn.