Điều tra, khảo sát sự phân bố côn trùng trung gian gây bệnh sốt xuất huyết ở Tây Ninh

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 156 0
Đồng chủ nhiệm đề tài: BS. Huỳnh Văn Hùng và BS. Trần Khánh Tiên Cơ quan chủ trì: Trung tâm Y tế Dự phòng Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2004 - 2005 Thời gian nghiệm thu: 2006 Kinh phí thực hiện: 131,7 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

- Đánh giá sự phân bố của lăng quăng và muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại các xã/phường đại diện cho các vùng dân cư trong tỉnh Tây Ninh.

- Đề xuất các biện pháp diệt lăng quăng, phòng chống muỗi hữu hiệu, góp phần phòng chống dịch SXHD tại địa phương.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Tập huấn, điều tra theo hình thức cuốn chiếu cho từng huyện/ thị để thu thập các số liệu về lăng quăng và muỗi truyền bệnh SXHD.

- Dựa vào kết quả điều tra xác định được các xã, phường có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cao/thấp và các vùng có khả năng gây dịch. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng chóng tích cực.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

- Ae. aegypti đã được xác định là véc-tơ chính truyền bệnh SXHD và đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu từ rất sớm về sinh lý sinh thái và vai trò truyền bệnh của chúng.

- Ae. aegypti là loài muỗi sống trong nhà, gần người, sự sinh sản và phát triển của chúng chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Muỗi thường phát triển mạnh vào mùa mưa (tháng 5 - 10), cao điểm thường vào tháng 6.

- Ở nhiệt độ 20oC, độ ẩm 85%, chu kỳ phát triển của Ae. aegypti từ trứng đến muỗi trưởng thành từ 10 - 15 ngày, nhiệt độ thấp hơn thì chu kỳ phát triển kéo dài hơn. Nhiệt độ cực thuận là 25oC - 30oC. Tuổi thọ của muỗi phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác của môi trường.

- Bảng số liệu đánh giá mật độ, phân loại muỗi, lăng quăng ở các xã đại diện.

+ Kết quả cho thấy trong 2.519 mẫu muỗi trưởng thành thu thập được, có 145 mẫu Ae. aegypti, chiếm tỷ lệ 5,76%. Không thu thập được muỗi trưởng thành Ae. albopictus. Muỗi trưởng thành Culex quinquefasciatus chiếm đa số (89,84%) mẫu thu thập. Ngoài ra cũng thu thập được các loài muỗi khác (4,4%).

- Trong 82.650 mẫu lăng quăng thu thập được, có 62.573 mẫu Ae. aegypti, chiếm tỷ lệ 75,71%; 19.341 mẫu Ae. albopictus, chiếm tỷ lệ 23,4%. Ngoài ra còn thu thập được lăng quăng Cx. quinquefasciatus với tỷ lệ thấp (0,89%).

- Ae. aegypti hiện diện ở hầu hết 27 điểm khảo sát. Trong đó, nơi có mật độ muỗi cao nhất là 0,53 Ae. aegypti cái/nhà (xã Trường Đông huyện Hòa Thành). Nơi có mật độ thấp nhất (#0) là xã Thạnh Tân và xã Bình Minh thị xã Tây Ninh. Nhìn chung, mật độ Ae. aegypti tại phần lớn các điểm khảo sát thấp hơn 0,2.

- Một số điểm khảo sát có mật độ Ae. aegypti cao hơn, từ 0,2 đến < 0,6 là: phường 2 thị xã Tây Ninh, thị trấn huyện Dương Minh Châu, thị trấn huyện Hòa Thành, xã Trường Đông huyện Hòa Thành, thị trấn huyện Gò Dầu và xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu. Các điểm này (ngoại trừ thị trấn huyện Dương Minh Châu) tạo thành 1 vùng có mật độ muỗi Ae. aegypti cao, nằm trên hoặc trải dọc theo quốc lộ 22B từ hướng thị trấn huyện Gò Dầu đi lên trung tâm tỉnh.

- Báo cáo phân tích, đánh giá khả năng mắc bệnh SXHD ở từng vùng.

+ Loại ổ chứa lăng quăng Ae. aegypti chính tại hầu hết các điểm là vật chứa nước ăn (lu, khạp, hồ, phuy) với tỷ lệ thấp nhất là 33,44% (thị trấn huyện Dương Minh Châu) và cao nhất là 83,93% (thị trấn huyện Tân Châu). Trong đó có 6 xã có tỷ lệ vật chứa nước ăn thấp hơn 50%, 19 xã có tỷ lệ từ 50% đến thấp hơn 80% và 2 xã có tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 80%.

+ Kế đến là các đồ vật phế thải (chai lọ, lon, gáo dừa, lốp xe cũ, lu khạp bể...) xung quanh nhà, và chén nước chống kiến. Đáng lưu ý là đồ vật phế thải chiếm tỷ lệ khá cao tại xã Tân Đông huyện Tân Châu (37,98%) và xã Suối Đá huyện Dương Minh Châu (33,51%); trong khi đó chén nước chống kiến có tỷ lệ cao nhất tại thị trấn Dương Minh Châu (32,35%).

+ Tỷ lệ mắc SXHD/1.000 dân vào thời điểm khảo sát (tháng 9/2004) khác nhau tùy theo từng địa phương trong tỉnh, từ 0 đến 1,99. Trong số đó, nổi bật các địa phương có tỷ lệ mắc cao như: phường 2 thị xã Tây Ninh (0,79), thị trấn huyện Dương Minh Châu (0,93), xã Thành Long huyện Châu Thành (0,99), thị trấn huyện Hòa Thành (1,21), xã Trường Đông huyện Hòa Thành (1,41), và thị trấn huyện Châu Thành (1,99). Các địa phương này cũng là những nơi có tỷ lệ mắc SXHD/1.000 dân cả năm 2004 cao trong tỉnh Tây Ninh.

+ Một số điểm khảo sát có mật độ muỗi cao thì tỷ lệ mắc SXHD/1.000 dân trong tháng cũng cao như: phường 2 thị xã Tây Ninh, thị trấn huyện Hòa Thành, xã Trường Đông huyện Hòa Thành, thị trấn huyện Dương Minh Châu. Tuy nhiên, cũng có một số điểm có mật độ muỗi cao nhưng tỷ lệ mắc SXHD/1.000 dân trong tháng thấp (xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu, thị trấn huyện Gò Dầu) hoặc ngược lại một số điểm có tỷ lệ mắc SXHD/1.000 dân trong tháng cao, nhưng mật độ muỗi lại thấp như thị trấn huyện Châu Thành, xã Thành Long huyện Châu Thành.

+ Ae. aegypti hiện diện ở hầu hết các xã khảo sát. Tập trung chủ yếu ở phường 2 TXTN, xã Trường Đông huyện Hòa Thành, thị trấn Hòa Thành, thị trấn Dương Minh Châu, thị trấn Gò Dầu, xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu.

- Dự báo những xã có khả năng gây dịch SXHD cho năm sau; những xã có nguy cơ cao mắc bệnh SXHD.

+ Những xã có sự tương quan chặt chẽ giữa mật độ muỗi cao và tỷ lệ SXHD cao (phường 2 thị xã, thị trấn Hòa Thành, xã Trường Đông huyện Hòa Thành, thị trấn Dương Minh Châu) có khả năng xảy ra SXHD trong những năm tới nếu chúng ta không có những biện pháp kiểm soát Ae. Aegypti.

+ Những xã có mật độ muỗi thấp và tỷ lệ SXHD thấp (xã Thạnh Tân, xã Bình Minh thị xã Tây Ninh, thị trấn Tân Châu, xã Tân Đông huyện Tân Châu...) nguy cơ xảy ra dịch SXHD thấp, chỉ cần đầu tư hạn chế đối với những xã này.

+ Số xã còn lại (thị trấn Gò Dầu, xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu, thị trấn Châu Thành, xã Thành Long huyện Châu Thành) không có sự liên quan rõ nét giữa mật độ muỗi và tỷ lệ SXHD.

- Đề xuất giải pháp phòng bệnh SXHD.

+ Diệt muỗi bằng cách (dùng nhang trừ muỗi, thuốc xịt muỗi); diệt lăng quăng bằng cách: dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, xúc rửa các vật chứa nước;

+ Ngăn muỗi chích bằng cách: ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng kem chống muỗi chích; ngăn chặn những vùng có nguy cơ gây dịch bằng cách mở chiến dịch diệt lăng quăng;

+ Tuyên truyền kiến thức về bệnh sốt xuất huyết cho các hộ gia đình trên đài phát thanh, truyền hình, phát tờ rơi, áp - phích, làm phiếu cam đoan gia đình không có lăng quăng.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

- Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 05/7/2006. TTYT Dự phòng Tây Ninh đã triển khai ứng dụng kết quả của đề tài cho 9 huyện, thị về một số nội dung: ổ chứa chủ yếu của lăng quăng; loài côn trùng trung gian truyền bệnh SXH chính; tương quan giữa mật độ muỗi-tỷ lệ SXH.

- Phổ biến một số biện pháp phòng SXH được đưa vào áp dụng trong công tác phòng chống SXH:

+ Ổ chứa là vật chứa nước ăn: thay nước thường xuyên, làm nắp đậy, thả cá ăn lăng quăng.

+ Ổ chứa là vật phế thải, chân chén: vận động tổng vệ sinh, bỏ muối , thay nước.

+ Đề xuất Sở Y tế ưu tiên kinh phí cho các xã có khả năng xảy ra dịch SXH vào các năm 2007, 2008.

- Giải pháp phòng bệnh SXHD được ứng dụng diệt lăng quăng thường xuyên hàng tháng tại 10 xã điểm; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường ở những xã có nguy cơ bùng phát dịch nhằm loại bỏ các ổ chứa của lăng quăng gây bệnh SXHD;

- Kết hợp triển khai kết quả trong các cuộc hợp giao ban hàng tháng, cung cấp tài liệu liên quan cho những thành viên quan tâm đến đề tài này.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây