Điều tra tình hình bệnh nhiễm bụi silic đối với công nhân khai thác, chế biến đá khu vực núi Bà đen Tây Ninh

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 115 0
Đồng chủ nhiệm đề tài: BS.CKI. Nguyễn Lưu Y và ThS. Trịnh Hồng Lân Cơ quan chủ trì: Trung tâm Y Tế dự phòng Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2004 - 2005 Thời gian nghiệm thu: 2006 Kinh phí thực hiện: 135,69 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

-  Xác định hàm lượng bụi toàn phần, hàm lượng bụi hô hấp; hàm lượng Silic (SiO2) tự do có trong bụi toàn phần và bụi hô hấp; các thể bệnh bụi phổi Silic; tỷ lệ bệnh bụi phổi Silic giữa công nhân trực tiếp và gián tiếp; tỷ lệ bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp có liên quan.

-  Đề xuất phương pháp phòng hộ tốt nhất.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Điều tra phỏng vấn thu thập thông tin 10 doanh nghiệp.

-  Điều tra phỏng vấn thu thập thông tin 500 công nhân khai thác chế biến đá theo 5 nhóm đối tượng.

-  Đo các chỉ tiêu: bụi tổng cộng, bụi hô hấp và phân tích hàm lượng SiO2 tự do.

-  Đo chức năng hô hấp (thể tích phổi) ở 5 nhóm tuổi nghề.

-  Chụp X quang phổi ở 5 nhóm tuổi nghề.

-  Khám sức khỏe tổng quát, phân loại sức khỏe.

-  Thống kê, phân tích, đánh giá mức độ bệnh bụi phổi theo hướng dẫn của tổ chức lao động quốc tế - ILO.

-  Chuẩn đoán phân biệt với các bệnh khác: Bệnh lao, bệnh haemosidorosis nội sinh, bệnh sarcoidosis, thể di căn ung thư phổi, xơ hóa phổi kẽ tự phát, các bệnh tạo keo như: bệnh cứng bì (scleroderma), viêm khớp dạng cấp.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Trong phương pháp nghiên cứu lấy mẫu là 317 công nhân và 10 doanh nghiệp; những kết quả khảo sát thông qua thu thập thông tin và phỏng vấn trực tiếp:

+ Nam chiếm đa số 96,2% so với nữ có 3,8%; dân tộc kinh chiếm 96,9%, còn lại là các dân tộc khác; trình độ văn hoá cấp II trở lên chiếm 30,2%, cấp II trở xuống chiếm 69,8%;

+ Tuổi đời 30 tuổi trở lên chiếm 63,72%, dưới 30 tuổi chiếm 36,28%; những công nhân có tuổi nghề trên 20 năm rất thấp 3,78%, tuồi nghề từ 1- 5 năm chiếm 70,34%;

+ Tình trạng sức khỏe cá nhân trong năm rất tốt không có gì để làm ảnh hưởng đến công tác; chế độ làm việc theo ca rất ít, phần lớn làm việc thời gian tự do chiếm 93,4%; tỉ lệ công nhân được phục vụ y tế thấp (công nhân được khám tại các trạm y tế cơ sở chiếm 35,65%; được khám sức khỏe định kỳ chiếm 62,15%).

- Các dữ liệu khoa học về nồng độ bụi toàn phần, nồng độ bụi hô hấp; hàm lượng Silic (SiO2) tự do có trong bụi toàn phần và bụi hô hấp tại núi Bà Tây Ninh; các trường hợp bị suy giảm chức năng hô hấp; các thể bệnh bụi phổi Silic; các bệnh khác có liên quan đến bệnh bụi phổi.

+ Nồng độ bụi toàn phần trung bình tại các công đoạn sản xuất cao ở cả hai mùa mưa và nắng hầu hết điều vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP) từ 1,5 lần trở lên. Riêng tại công ty 48 nồng độ bụi toàn phần tại khâu khoan đá 22,3 mg/m3 cao gấp 3,71 lần TCVSCP.

+ Nồng độ bụi hô hấp ở nhiều công đoạn sản xuất cũng rất cao ở cả hai mùa mưa nắng, trung bình 16,49 mg/m3 vượt TCVSCP gấp 4,12 lần.

+ Hàm lượng Silic tự do (SiO2) có trong bụi toàn phần có khoảng cách rõ rệt ở 2 loại đá ngầm và đá lộ thiên: ở các mỏ khai thác đá ngầm hàm lượng Silic tự do từ 10,73% đến 13,10%; đối với mỏ khai thác đá lộ thiên từ 19,7% đến 21,9% (Công ty Vật liệu xây dựng Tây Ninh, Công ty 48).

+ Qua chụp X quang phổi thẳng, các thể bệnh bụi phổi silic nhiều nhất là thể 0/1 p/p 35 người chiếm 11%; thể 1/0 p/p 14 người chiếm tỉ lệ 4,4%; thể 1/0 q/p 3 người chiếm 0,9%; thể 1/1/ p/p 2 người chiếm 0,6%; thể 1/0 q/q 2 người chiếm 0,6%; các thể khác ½ p/p 1 người chiếm 0,3%; 1/0 p/q chiếm 0,3%; 1/1 q/q chiếm 0,3%.

+ Tỉ lệ bệnh bụi phổi chung các thể là 18,1%: có 16,72% công nhân có biểu hiện rối loạn thông khí phổi, trong đó phần lớn là rối loạn thông khí hội chứng hạn chế 39 người chiếm 12,22%; có 107/317 người có các triệu chứng viêm phế quản mãn tính (ho, khạc đờm kéo dài, tức ngực, khó thở...) chiếm 29,3%, số công nhân làm việc gián tiếp 14 người chiếm 4,4%.

-  Báo cáo phân tích xác định nguyên nhân phát sinh bụi; đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh; đề xuất biện pháp dự phòng phù hợp nhất và hướng điều trị phục hồi cho người bệnh.

+ Định kỳ thường xuyên tự kiểm tra giám sát mức độ bụi phát tán và biện pháp ngăn chặn kịp thời tại chổ; bổ sung, thay mới hoặc cải tạo các máy móc thiết bị cũ lạc hậu gây ra nhiều bụi, tiếng ồn; sử dụng đầy đủ, đúng phương pháp các trang bị bảo hộ lao động theo hướng dẫn của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để phòng chống bụi silic.

+ Hướng dẫn điều trị phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh bụi phổi silic; hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chóng nhiễm bụi silic cho cán bộ và công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 20/7/2006. Kết quả nghiên cứu được các cơ sở y tế của tỉnh ứng dụng trong xây dựng kế hoạch, giáo dục sức khỏe, đề xuất biện pháp giám sát, kiểm tra phòng chống bụi cho các doanh nghiệp và công nhân lao động trong môi trường có nhiễm bụi.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây