Điều tra tình hình nhiễm giun sán trên đàn bò nuôi tại tỉnh Tây Ninh và thử nghiệm một số loại thuốc tẩy trừ

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 243 0
Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Dương Quốc Việt Cơ quan chủ trì: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2004 - 2006 Thời gian nghiệm thu: 2006 Kinh phí thực hiện: 171,435 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

Đánh giá tình hình nhiễm giun sán và những yếu tố ảnh hưởng tỷ lệ nhiễm trên đàn bò nuôi tại các huyện, thị trong tỉnh. Phát hiện các loài giun sán thường gây bệnh, các lứa tuổi của bò có tỷ lệ mắc bệnh cao ở từng vùng khác nhau; hiệu quả một số loại thuốc thường sử dụng điều trị giun sán ở bò.

Đề xuất một số biện pháp phòng và trị bệnh giun sán trên đàn bò nhằm tăng năng suất và đem lại lợi ích kinh tế cho người nuôi bò.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Điều tra tình hình nhiễm một số giun sán trên đàn bò nuôi và hạ thịt tại 9 huyện, thị tỉnh Tây Ninh.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm theo vùng địa lý, mật độ chăn nuôi, nhóm tuổi, giống, điều kiện chuồng trại, biện pháp chăm sóc quản lý, trình độ người chăn nuôi theo tháng mùa trong năm.

Thu thập mẫu (mẫu phân và phủ tạng nhiễm ký sinh trùng) để định danh phân loại những loài giun sán trên đàn bò.

Đánh giá biến đổi bệnh lý do ký sinh trùng trên những cơ quan của bò bị nhiễm giun sán.

Bố trí thí nghiệm điều trị những bò, bê bị nhiễm một số loài giun, sán với tỷ lệ nhiễm cao sau khi có kết quả xét nghiệm phân bằng một số loại thuốc trên thị trường.

Đánh giá hiệu quả thuốc bằng cách kiểm tra phân sau 7 ngày sử dụng thuốc điều trị.

Lập bản đồ dịch tể bệnh giun, sán trên bò nuôi tại các huyện, thị trong tỉnh.

Đề xuất những biện pháp khả thi để phòng trị các loài ký sinh trùng phát hiện được trên đàn bò được khảo sát nhằm phục vụ chương trình phát triển chăn nuôi bò trong nhân dân.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả điều tra tình hình nhiễn giun, sán trên đàn bò qua các phương pháp thực hiện: số liệu chính xác phản ánh được tình hình thực tế tại địa phương.

Qua điều tra 1.000 bò hạ thịt tại các lò giết mổ: tỷ lệ nhiễm giun sán chung là 78,30%, trong đó 66,70% nhiễm sán lá dạ cỏ; 49,20% nhiễm giun dạ múi khế và 7,5% nhiễm giun xoang bụng. Có 31,70% bò nhiễm 2 loài; 6,70% bò nhiễm 3 loài giun sán;

+ Tỷ lệ nhiễm cao nhất khảo sát tại lò mổ huyện Trảng Bàng (chiếm tỷ lệ 82,31%), kế đến huyện Dương Minh Châu (chiếm tỷ lệ 78,18%), Gò Dầu (chiếm tỷ lệ 77,69%), Tân Châu (chiếm tỷ lệ 76,15%), tỷ lệ nhiễm thấp nhất tại huyện Tân Biên (chiếm tỷ lệ 73,85%);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán đường tiêu hoá ở giống bò lai sind, ta vàng và giống khác (chủ yếu là bò vàng nguồn gốc Campuchia) lần lượt là 75,81%; 77,42% và 91,06%. Tỷ lệ nhiễm giun sán đường tiêu hoá tăng dần theo các nhóm tuổi của bò dưới 3 tuổi, từ 3 - 5 tuổi và trên 5 tuổi lần lượt là 70,22%; 77,08% và 84,39% (P < 0,001);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán đường tiêu hoá ở bò cái (chiếm 78,63%) cao hơn bò đực (chiếm 77,94% (P > 0,05). Bò chỉ nhiễm 1 loài giun sán chiếm tỷ lệ 39,90%, nhiễm 2 loài chiếm 31,70%, nhiễm 3 loài trở lên chiếm 6,70%.

- Điều tra 2.000 bò nuôi phát hiện bò thường nhiễm giun sán: sán lá dạ cỏ, giun dạ múi khế, giun đũa, sán lá gan, cầu trùng, sán dây, giun tóc, giun kết hạt ... tỷ lệ nhiễm chung là 71,25%, cao nhất là nhiễm sán lá dạ cỏ (50,45%) kế đến là giun dạ múi khế (39,85%);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán cao nhất ở bò nuôi tại huyện Trảng Bàng (chiếm 80,33%), kế đến là Thị xã (chiếm 76,52%), Hoà Thành (chiếm 76,43%), Châu Thành (chiếm 73,75%), Tân Châu (chiếm 72,35%), Gò Dầu (chiếm 68,33%), Dương Minh Châu (chiếm 67,31%), Tân Biên (chiếm 67,27%) và thấp nhất là ở bò nuôi tại huyện Bến Cầu (chiếm 57,00%); tỷ lệ nhiễm giun sán ở bò nuôi theo phương thức bán chăn thả (chiếm 76,40%) cao hơn bò nuôi nhốt (chiếm 61,29%) (P < 0,001);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán giống bò sữa (chủ yếu bò giống Hostein Friesian - F1, F2, F3) thấp nhất (chiếm 63,76%), kế đến là giống bò lai Sind (chiếm 69,58%), bò ta vàng (chiếm 71,79%) và tỷ lệ nhiễm cao nhất là các giống bò khác, bao gồm bò nguồn gốc Campuchia, bò Thái ... (chiếm 89,06%). Sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giun sán theo giống bò nuôi khác nhau rất có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,001);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán tăng dần theo lứa tuổi bò từ bò dưới 1 tuổi, bò từ 1 - 3 tuổi, bò từ 3

- 5 tuổi và bò trên 5 tuổi lần lượt là 62,34%; 69,76%; 73,33% và 81,09%. Sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giun sán theo lứa tuổi bò nuôi khác nhau rất có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,001);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán ở bò đực (chiếm 72,79%) cao hơn bò cái (chiếm 70,33%). Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê (P > 0,05).

+ Tỷ lệ bò nhiễm giun sán tăng theo qui mô của hộ chăn nuôi bò. Tỷ lệ bò nhiễm giun sán ở qui mô chăn nuôi từ 1 - 5 con, từ 6 - 10 con và trên 10 con lần lượt là 68,56%; 72,63% và 77,29%. Sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giun sán theo qui mô chăn nuôi có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05);

+ Tỷ lệ nhiễm giun sán ở mùa mưa (chiếm 72,50%) cao hơn mùa khô (chiếm 69,70%). Tuy nhiên, sự khác không có ý nghĩa về mặt thống kê (P > 0,05).

Qua điều trị 400 bò nhiễm giun sán: điều trị giun tròn: thuốc Polystrongle hiệu quả hơn thuốc Bivermectin; điều trị sán lá: thuốc Valbazen hiệu quả hơn thuốc Dovenix.

Qua xét nghiệm 100 tiêu bản vi thể cơ quan nội tạng bò nhiễm giun sán cho thấy có sự tổn thương tại những cơ quan nhiễm giun sán như dạ dỏ, dạ múi khế và ở những cơ quan mà trong chu kỳ sống ấu trùng di hành qua như gan, phổi, ruột, thực quản... Từ đó, sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, sự tiêu hoá, hấp thu chất dinh dưỡng của bò và làm giảm năng suất chăn nuôi.

Biện pháp phòng và điều trị bệnh giun, sán trên bò đảm bảo tính khoa học và ứng dụng:

+ Phòng chống bằng thuốc, vệ sinh môi trường, bằng vaccin, diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh; cơ quan thú y định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện những loài giun sán ký sinh trên gia súc nuôi để có khuyến cáo, hướng dẫn cán bộ thú y và người chăn nuôi sử dụng thuốc phòng trị hợp lý.

Bản đồ dịch tể bệnh giun, sán trên bò nuôi tại Tây Ninh.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 14/9/2006. Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Ninh triển khai ứng dụng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu cho học sinh, giáo viên khoa chăn nuôi thú y và các hộ chăn nuôi trong tỉnh;

Sử dụng kết quả khảo sát, hình ảnh đề tài viết một số nội dung phần giun, sán bò trong giáo trình Bệnh ký sinh trùng thú y giảng dạy chuyên ngành chăn nuôi thú y tại trường;

Đào tạo được 430 học viên, học viên ứng dụng kiến thức đã học để chuẩn đoán, điều trị bệnh ký sinh trùng cho trâu, bò tại địa phương.

Sử dụng kết quả của đề tài tiếp tục thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành:

+ Đề tài: “Đổi mới phương pháp giảng dạy phần chuyên biệt học phần bệnh ký sinh trùng tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật tại Tây Ninh”, năm học 2009 - 2010, xếp loại Khá.

+ Đề tài: “Đánh giá hiệu quả một số loại thuốc điều trị giun sán đường tiêu hoá trên bò nuôi tại một số địa bàn thuộc tỉnh Tây Ninh”, năm học 2010 - 2011, xếp loại Khá.

Làm tài liệu nghiên cứu một số nội dung của đề tài cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình trạm xá thú y tai trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuat Tây Ninh”, CNĐT: ThS. Lê Thị Kim Lan.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây