Điều tra tình hình sức khỏe đối với phụ nữ áp dụng Kế hoạch hóa Gia đình ở vùng nông thôn Tây Ninh và đề xuất các biện pháp cải thiện

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 77 0
Chủ nhiệm đề tài: ThS. BS. Huỳnh Văn Tú Cơ quan chủ trì: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2004 - 2006 Thời gian nghiệm thu: 2006 Kinh phí thực hiện: 98,4 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

-  Xác định hiệu quả sử dụng biện pháp tránh thai đối với phụ nữ vùng nông thôn Tây Ninh, theo 2 mô hình cung cấp biện pháp tránh thai: mô hình hiện nay tại Tây Ninh và mô hình chất lượng chăm sóc (CLCS). Cụ thể xác định:

-  Tỷ lệ phụ nữ có kiến thức, thái độ, thực hành đúng về biện pháp tránh thai đang áp dụng ở mỗi mô hình.

-  Tỷ lệ phụ nữ liên tục sử dụng biện pháp tránh thai ở mỗi mô hình.

-  Tỷ lệ phụ nữ bị tai biến, biến chứng liên quan đến việc sử dụng biện pháp tránh thai ở mỗi mô hình.

-  Tỷ lệ phụ nữ hài lòng với biện pháp tránh thai đang áp dụng ở mỗi mô hình.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Phỏng vấn thăm dò ý kiến của phụ nữ trong tỉnh về biện pháp tránh thai; khảo sát cơ sở lâm sàng cung cấp biện pháp tránh thai; khảo sát cán bộ cộng đồng cung cấp biện pháp tránh thai.

-  Mở “Hội nghị triển khai nghiên cứu mô hình CLCS”.

-  Tập huấn triển khai can thiệp CLCS trong kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và thực hiện cải thiện CLCS theo vấn đề (bài tập COPE).

-  Xây dựng chuyên đề về CLCS và nội dung can thiệp CLCS trong dịch vụ KHHGĐ; hiểu biết hiện nay về biện pháp tránh thai phổ biến; hướng dẫn quy trình theo dõi, xử lý tác dụng phụ, tai biến; bộ công cụ, phương pháp cải thiện CLCS theo vấn đề.

-  Triển khai nghiên cứu tại 9 xã can thiệp.

-  Thực hiện 4 lược giám sát hỗ trợ triển khai mô hình can thiệp tại 9 xã.

-  Thu thập số liệu nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Đối tượng nghiên cứu chính là những phụ nữ sử dụng BPTT, cán bộ cộng đồng (những cán bộ cơ sở trực tiếp cung cấp BPTT phi lâm sàng: thuốc viên và bao cao su tránh thai), cán bộ y tế cơ sở (những người trực tiếp cung cấp BPTT lâm sàng: dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai).

-  Tổng cộng tham gia nghiên cứu trong giai đoạn 1 có 288 đối tượng; giai đoạn 2 có 612 đối tượng, 262 cán bộ cộng đồng (CBCĐ), 88 cán bộ y tế; giai đoạn 3 có 593 đối tượng, 256 CBCĐ, 93 cán bộ y tế;

-  Kết quả khảo sát CBCĐ: có tất cả 262 cán bộ được phỏng vấn trong giai đoạn 2; hầu hết là nữ, có độ tuổi trung bình trên 40 tuổi, học vấn cấp 2, được tập huấn KHHGĐ 2 khóa trở lên; hơn 50% có kinh nghiệm làm việc từ 4 năm trở lên, có kiến thức thái độ, thực hành cấp phát phương tiện tránh thai đạt yêu cầu. Hạn chế CBCĐ không xem sự ưa thích biện pháp của khách hàng là yếu tố quan trọng, ít khi sử dụng bảng kiểm sàng lọc chống chỉ định viên tránh thai, không hướng dẫn đúng cách sử dụng viên tránh thai, không hướng dẫn đúng thời gian kiêng giao hợp trong biện pháp tính chu kỳ, đúng cách sử dụng bao cao su tránh thai.

-  Kết quả khảo sát cán bộ y tế: tổng số có 88 cán bộ y tế cơ sở được phỏng vấn trong giai đoạn 02; 93 CBYT trong giai đoạn 3; đa số là nữ trong độ tuổi 35 - 44, hơn 50% được cập nhật chuyên môn trong vòng 2 năm; hơn 2/3 CBYT cho rằng BPTT phù hợp với khách hàng trong quá trình sử dụng, luôn có đủ phương tiện tránh thai và tư vấn tốt là những yếu tố quan trọng nhất;

-  Kết quả khảo sát đối tượng sử dụng BPTT.

+ Trong giai đoạn 1: có 288 đối tượng được chọn vào nghiên cứu, đều có quá trình sử dụng một BPTT hiện đại từ 9 - 12 tháng trước thời điểm phỏng vấn; tuổi trung bình 32,98; số năm đi học trung bình 6,7; số con còn sống trung bình 2,06; đối tượng có thái độ đúng về BPTT chiếm tỉ lệ 95%; thực hành đúng BPTT là 68,1%; họ cảm thấy thật sự hài lòng với BPTT đang áp dụng là 90,2%;

+ Trong giai đoạn 2 và 3: nghiên cứu trên 612 cặp/vợ chồng tại 18 xã của 9 huyện, thị trong thời gian 1 năm: tỉ lệ đối tượng có kiến thức đúng về BPTT đang áp dụng (lô can thiệp: 64,5%; lô chứng: 36% với p<0,001); tỉ lệ đối tượng có thực hành đúng về BPTT đang áp dụng (lô can thiệp: 95,6%; lô chứng: 87,4% với p<0,001); tỉ lệ đối tượng hài lòng về BPTT đang áp dụng (lô can thiệp: 96,3%; lô chứng: 91,8% với p<0,05);

+ Nghiên cứu trên 593 đối tượng, tỉ lệ đối tượng có tai biến về BPTT đang áp dụng (lô can thiệp: 1,7%; lô chứng: 1,3% với p>0,05). Tại thời điểm thu thập số liệu ở giai đoạn 3, có 5 đối tượng ngưng BPTT để sanh thêm con, do đó chỉ còn có 588 đối tượng được xem xét có liên tục sử dụng BPTT không, kết quả: lô can thiệp là 97,9%; lô đối chứng là 90,8% (p>0,05).

-  Xây dựng được mô hình CLCS.

-  Khẳng định việc nâng cao CLCS trong dịch vụ tránh thai tại Tây Ninh là khả thi, ít tốn kém và cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng biện pháp tránh thai. Vì thế, mô hình CLCS có thể triển khai ứng dụng rộng rãi đến tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ tránh thai trong tỉnh.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 01/02/2007. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào dịch vụ tránh thai tại các cơ sở y tế công; góp phần làm tăng kiến thức, tăng tỷ lệ phụ nữ sử dụng liên tục biện pháp tránh thai, giảm tỷ lệ nạo hút thai ngoài kế hoạch.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây