Khảo sát, đánh giá biện pháp can thiệp cộng đồng tăng huyết áp ở người lớn tại Tây Ninh

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 243 0
Chủ nhiệm đề tài: BS CKI. Đào Thị Lan Cơ quan chủ trì: Sở Y tế Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2005 - 2007 Thời gian nghiệm thu: 2007 Kinh phí thực hiện: 339,099 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

-  Đánh giá tình hình bệnh tăng huyết áp (THA) ở người lớn ( ≥18 tuổi) tại tỉnh Tây Ninh năm 2005 - 2006.

-  Đánh giá tỷ lệ giảm tác hại của người bệnh sau khi can thiệp tại cộng đồng bằng các hình thức thay đổi lối sống có nguy cơ bệnh và cách sử dụng thuốc. Cụ thể xác định:

+ Tỷ lệ bệnh THA ở người lớn ( ≥18 tuổi)

+ Tỷ lệ người ≥18 tuổi đã biết mình có bệnh THA

+ Tỷ lệ người ≥18 tuổi THA có điều trị bệnh.

+ Tỷ lệ người ≥18 tuổi THA có điều trị và đạt hiệu quả kiểm soát được huyết áp.

+ Mối liên quan giữa THA với các yếu tố: giới, tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, trình độ học vấn, béo phì, ăn mặn, hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể lực, tiền sử gia đình.

+ Tỷ lệ chấp nhận điều trị và tỷ lệ kiểm soát được huyết áp của các trường hợp mới mắc theo sơ đồ điều trị THA của JNC VII sau 3 tháng và 6 tháng.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên cơ sở lấy 3.600 mẫu từ 30 cụm xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh. Các đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn và đo huyết áp từ một bản câu hỏi định sẵn. Các đối tượng có kết quả chuẩn đoán THA được đưa vào mẫu can thiệp điều trị bằng biện pháp thay đổi lối sống hoặc bằng thuốc và được đánh giá hiệu quả mỗi 3 tháng một lần.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Bảng số liệu bao gồm: số liệu về đối tượng nghiên cứu; tỷ lệ THA ở người ≥18 tuổi tại tỉnh Tây Ninh, người đã biết mình có bệnh THA, người THA có điều trị và đạt hiệu quả kiểm soát được huyết áp.

Qua nghiên cứu 3.600 người ≥18 tuổi đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; và mẫu nghiên cứu 361 bệnh nhân THA phát hiện được qua điều tra tại 30 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có kết quả:

-  Tuổi trung bình 42,82 ±17,09; nam chiếm 42%, nữ chiếm 58%; dân tộc Kinh chiếm 98,2%; trình độ học vấn từ cấp 1 trở xuống chiếm hơn 50%, cấp 2 và 3 chiếm 27,9%, đại học và sau đại học chiếm 2%; lao động chân tay chiếm tỷ lệ cao 53,56%.

+ Tỷ lệ THA tăng dần theo tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ THA càng cao, ở nhóm tuổi trên 60 tuổi thì tỷ lệ THA rất cao 42,9%; tỷ lệ THA ở nam (15%) cao hơn nữ (12,8%), người có học vấn (chưa tốt nghiệp tiểu học) có tỷ lệ THA 50,7%; người lao động chân tay và những lao động khác có tỷ lệ THA cao hơn lao động trí óc;

-  Tỷ lệ THA chung là 13,8%; tỷ lệ người ≥18 tuổi biết mình có THA là 11,8%; tỷ lệ người biết mình THA có điều trị bằng thuốc là 58,4%.

-  Báo cáo phân tích mối liên quan giữa THA với các yếu tố: giới, tuổi, nghề nghiệp, béo phì, ăn mặn, hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể lực, tiền sử gia đình.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh THA được ghi nhận: Béo phì, ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia, tầng suất uống rượu/bia, tiền sử bệnh ĐTĐ.

+ Đa số sử dụng dầu thực vật trong nấu ăn (87,8%), chỉ 6,7% dùng mở động vật; người dân cũng có thói quen dùng xen kẽ nhiều loại dầu mỡ khi nấu ăn (4,6%); dùng bơ động vật trong nấu ăn chiếm tỉ lệ rất thấp 0,1%. Người THA có tỷ lệ béo phì cao hơn người không THA ở tất cả các tầng, không có yếu tố gây nhiễu, học vấn là yếu tố tương tác.

+ Tỷ lệ ăn mặn theo đánh giá và nhận xét của những người xung quanh là 24,3% và tỷ lệ ăn hàng ngày các món mặn, nhiều muối rất cao 70,58%. Người bệnh THA có tần suất ăn mặn thấp hơn người không THA ở tất cả các tầng, không có yếu tố nào làm thay đổi tác động và gây nhiễu.

+ Tỷ lệ có hút thuốc lá 23% trong quá khứ và 27% hút hiện tại. Đây là một tỷ lệ khá cao; số năm hút thuốc trung bình rất cao 22,58 năm; tuổi bắt đầu hút thuốc thường xuyên hàng ngày 21,5 tuổi; loại thuốc hút là thuốc điếu chiếm 92%, thuốc rê, thuốc lào ít phổ biến hơn.

Người THA có tỷ lệ hút thuốc lá hiện tại cao hơn người không THA ở tất cả các tầng, giới tính là yếu tố tương tác lên tỷ lệ hút thuốc lá, tuổi là yếu tố gây nhiễu trên tỷ lệ hút thuốc lá.

+ Tỷ lệ có đo đường huyết trong 12 tháng 26,2%; tỷ lệ ĐTĐ 4,5%; tỷ lệ có uống rượu bia khá cao, chiếm tỷ lệ 25,3%. Trong đó, 36,8% uống ít thường xuyên và 35,2% uống mỗi tuần, 10,7% uống hàng ngày. Số lượng ly uống mỗi lần trung bình 3,77 ly. Người bệnh THA có tần suất uống rượu bia cao gấp 2 lần người không THA ở tất cả các tầng, không có yếu tố nào làm thay đổi tác động, tuổi là yếu tố gây nhiễu.

-  Tỷ lệ bệnh nhân đạt HA mục tiêu bằng biện pháp can thiệp cộng đồng sau 3 tháng và sau 6 tháng lần lượt là 53,3% và 73,5%.

-  Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ THA giữa các nhóm: tuổi, giới, nghề nghiệp và trình độ học vấn.

-  Điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc: ngưng hút thuốc sau 3 tháng và 6 tháng lần lượt là 33,6% và 43%; ngưng uống rượu hoặc giảm rượu là 81,1% và 90,7%; tăng vận động (đi bộ là 62,1% và 84,6%; đi xe đạp; tập thể dục hằng ngày); thực hiện chế độ ăn giảm muối.

-  Điều trị bằng biện pháp dùng thuốc: uống thuốc điều đặn đạt khoảng > 90%; 94,6 % bệnh nhân uống đủ liều; 88,7 % đến khám đúng hẹn.

-  Mô hình chăm sóc sức khỏe người THA.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG:

-  Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 14/01/2008. Kết quả nghiên cứu được các Trung tâm Y tế 08 huyện và thị xã ứng dụng trong điều trị và quản lý người bệnh THA.

-  Trong tháng 12/2011, Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu (DMC) đã tiến hành tập huấn triển khai ứng dụng kết quả cho các bác sỹ, điều dưỡng của 09 huyện, thị và Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (có 57 người tham dự), riêng 10 trạm y tế xã của huyện DMC có 33 người tham dự; từ tháng 6/2012 đến 11/2012, tỷ lệ người được tư vấn của 10 trạm y tế trung bình là 69,78%/tháng. Tổng số lần tư vấn từ tháng 6 - 11/2012 là 6.587 lần với tổng số tờ rơi phát ra 5.738 tờ; Trung tâm y tế huyện Gò Dầu đã tư vấn được 331 bệnh nhân và phát ra được 24 tờ rơi.

-  Hiện nay ở mỗi đơn vị ứng dụng đều có phòng tư vấn để phục vụ cho công tác triển khai, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có 02 phòng, 09 Trung tâm y tế huyện đều có 09 phòng, 10 trạm y tế xã thuộc huyện DMC có 10 phòng.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây