Nghiên cứu, đánh giá sự suy thoái hệ sinh thái môi trường đất, đề xuất phương án sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và phát triển bền vững

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 595 0
Đồng chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH. Lê Huy Bá, KS. Nguyễn Văn Quản Cơ quan chủ trì: Sở NN&PTNT Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2007 - 2009 Thời gian nghiệm thu: 2009 Kinh phí thực hiện: 556,27 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

Phát hiện, đánh giá quá trình thoái hóa đất nông nghiệp và đất đô thị (do xói mòn, bạc màu, mất hữu cơ và ô nhiễm). Đề xuất biện pháp ngăn chặn, sử dụng đất hợp lý, bền vững, nâng cao năng suất cây trồng và quyền lợi của người dân nông thôn và vùng ven đô.

Tạo hệ thống cơ sở dữ liệu và bản đồ, giúp quản lý, chỉ đạo nhanh, cập nhật và hữu hiệu tài nguyên đất của tỉnh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Khảo sát và thu thập, biên hội tài liệu về hiện trạng môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh.

Biên hội số liệu, lập tiền dữ liệu về tài nguyên môi trường sinh thái đất Tây Ninh.

Điều tra khảo sát quá trình xói mòn đất dốc Tây Ninh trên nhiều loai đất và nhiều độ dốc khác nhau.

Điều tra và khảo sát quá trình bạc màu hóa đất trong hệ sinh thái cây khoai mì, mía, đậu phộng, lúa, vườn cây ăn trái Tây Ninh.

Điều tra và khảo sát quá trình mất chất hữu cơ ở các vùng đất thung lũng ven sông Vàm Cỏ Đông, kênh rạch, các bưng trũng cục bộ, xung quanh hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh.

Đánh giá suy thoái đất trên từng vùng sinh thái nông, lâm nghiệp.

Điều tra tập quán, kinh nghiệm sản xuất, vận dụng, kết hợp kết quả nghiên cứu, xây dựng mô hình sử dụng đất tối ưu.

Xác định mức độ suy thoái môi trường sinh thái và suy giảm tài nguyên đất bằng, điều tra năng suất, chất lượng cây trồng theo thời gian.

Xác định mức độ nhiễm đất do chất thải đô thị và công nghiệp vùng ngoại thành, vùng xung quanh các khu công nghiệp tỷ lệ bản đồ 1/50.000.

Thiết lập chuỗi số liệu tài nguyên môi trường để diễn tả tốc độ, chiều hướng suy thoái.

Thành lập các bản đồ suy thoái đất.

Phân vùng suy thoái tổng hợp toàn tỉnh trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000.

Xây dựng phương án khảo nghiệm sử dụng đất tối ưu trên máy tính.

Xây dựng và thử nghiệm phương pháp pilot xói mòn, bạc màu và mất chất hữu cơ tại một số điểm “nóng”.

Đánh giá rủi ro môi trường đất (do ô nhiễm, mất dưỡng chất, sụt lỡ đất, nứt đất).

Xây dựng phương án khảo nghiệm nhanh bằng phương pháp sử dụng đất tối ưu trên thực địa theo từng hệ sinh thái đất, trên cơ sở bài toán kinh tế sinh thái nông nghiệp.

Đề xuất các thông số chỉ thị cho phát triển bền vững hệ sinh thái môi trường đất nông nghiệp.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đề tài đã điều tra, nghiên cứu xây dựng thành lập bản đồ hiện trạng nhằm đánh giá mức độ suy thoái đất, đề xuất một số vấn đề phục vụ cho việc sử dụng bền vững tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau: Vấn đề xói mòn đất; bạc màu hoa đất; mất chất hữu cơ; chất thải đô thị và công nghiệp ảnh hưởng lên môi trường đất và đề xuất một số kiến nghị cần thực hiện.

+ Mức độ thoái hóa đất được thể hiện ở một số vấn đề: xói mòn đất, bạc màu hóa đất, mất chất hữu cơ, chất thải đô thị và công nghiệp;

+ Quá trình xói mòn diễn ra trên tỉnh Tây Ninh hầu như thấp so với các khu vực khác trong vùng Đông Nam Bộ. Nếu đi từ Đông Bắc xuống Tây Nam, địa hình có xu hướng thấp dần, nên cường độ xói mòn ít dần. Đối với khu vực Núi Bà Đen, địa hình cao, độ dốc lớn, rất dễ xãy ra xói mòn;

+ Tài nguyên đất Tây Ninh phần lớn là nhóm đất xám (chiếm tới 85,65% tổng diện tích đất tự nhiên), nhóm đất này nghèo dưỡng chất, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước, giữ màu kém, hàm lượng mùn, vi sinh vật trong đất thấp. Điều này gây bất lợi lớn đối với cây trồng;

+ Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng, Tây Ninh có 5 nhóm đất chính với 15 loại đất khác nhau. Trong đó, ba nhóm đất tập trung khai thác cho sản xuất đất nông nghiệp là: xám - phèn - phù sa.

Một số khu vực có biểu hiện của quá trình bạc màu như: xã Mỏ Công, Trà Vong, Thạnh Bình, Tân Bình (huyện Tân Biên), Thạnh Đông, Tân Hà, Tân Thành, Tân Hòa (huyện Tân Châu), Long Khánh, Long Phước, Long Giang (huyện Bến Cầu), Phước Minh, Phước Ninh, Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), Ninh Sơn (thị xã Tây Ninh), Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng), Trường Đông (huyện Hòa Thành).

Hàm lượng nitơ tổng số trong đất ở Tây Ninh là rất thấp cả vào mùa mưa lẫn mùa khô; ở tầng nông, mùa mưa chỉ từ 0,0011- 0,0153% và mùa nắng từ 0,0001- 0,002%, độ phì nhiêu tiềm tàng của đất kém.

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa gây ảnh hưởng đến tính chất lý học, hóa học của đất. Đặc biệt là các loại chất thải nguy hại, độc tính cao, khó phân hủy sinh học, tích lũy trong đất với thời gian dài gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đất.

Biện pháp chống xói mòn, ngăn ngừa sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất và giảm sự lạm dụng quá mức đất canh tác: lĩnh vực nông nghiệp: chọn thời vụ thích hợp, bón phân, phủ đất; lâm nghiệp: trồng rừng trên đồi núi và dọc ven hồ Dầu Tiếng, theo hệ thống kênh rạch Tây Ninh; hóa học kết hợp với sinh học: dùng chất liên kết màng và cây cỏ che phủ mặt đất quanh năm;

+ Thực hiện công tác quy hoạch đưa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ra khỏi khu dân cư. Xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, đơn vị gây ô nhiễm, nhằm ngăn ngừa lây lan chất ô nhiễm từ các hoạt động của đô thị và khu công nghiệp;

+ Duy trì và phục hồi độ phì nhiêu của đất; luân xen canh cây hoa màu; làm bờ thửa cho nhóm đất xám trên phù sa cổ; cải tạo nhóm đất phèn; đẩy mạnh công tác xã hội, khuyến nông, sử dụng và quản trị đất đai đúng hướng.

Các phần mềm cơ sở dữ liệu dễ sử dụng và là công cụ phục vụ quản lý; hệ thống các bản đồ tỷ lệ 1/50.000 về tiềm năng xói mòn, hiện trạng đất bạc màu, hiện trạng mất hữu cơ, chất lượng môi trường đất.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 19/4/2011. Kết quả nghiên cứu đã đóng gop vào cơ sở dữ liệu về đất ở Tây Ninh phục vụ các nghiên cứu có liên quan như: đánh giá các quá trình suy thoái tài nguyên môi trường đất nông nghiệp; định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây