Nghiên cứu, áp dụng phương pháp gina – 2002 trong điều trị bệnh hen phế quản ở Tây Ninh

Thứ năm - 07/11/2013 00:00 91 0
Chủ nhiệm đề tài: ThS BS. Lương Thị Thuận Cơ quan chủ trì: Trung tâm Phòng chống lao Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2007 - 2009 Thời gian nghiệm thu: 2009 Kinh phí thực hiện: 369,2 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá.

 

 

MỤC TIÊU

-  Ứng dụng “chiến lược xử trí hen phế quản toàn cầu” (GINA 2002) để quản lý hen phế quản (HPQ) trong cộng đồng dân cư nhằm kiểm soát bệnh HPQ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân tại Tây Ninh.

-  Đánh giá hiệu quả và tính khả thi của phương pháp điều trị HPQ theo GINA, đồng thời đề xuất một số biện pháp cải tiến cho phù hợp với tình hình tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Triển khai phòng thăm dò chức năng hô hấp tại Trung tâm phòng chống Lao Tây Ninh.

-  Khảo sát: dùng phương pháp điều tra cộng đồng để xác định một số yếu tố dịch tễ cơ bản về bệnh HPQ theo GINA.

-  Can thiệp điều trị và đánh giá kết quả điều trị HPQ theo GINA.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Kết quả phỏng vấn điều tra 600 người bằng bảng câu hỏi, chọn được 48 người có triệu chứng nghi HPQ. Sau khi chụp X-quang, xét nghiệm đàm và đo hô hấp ký có test giãn phế quản, có 24 người được chuẩn đoán xác định HPQ;

-  Tỷ lệ hiện mắc HPQ tại tỉnh Tây Ninh năm 2007 là 4%, tuổi trung bình 25,5 tuổi (nam 1,2%; nữ 2,8% dân số). Trong đó trẻ em từ 7 đến 15 tuổi là 3,3%; người lớn trên 15 tuổi là 5,2%.

-  Mô hình quản lý, điều trị bệnh HPQ, phát đồ điều trị HPQ dựa theo tiêu chuẩn GINA với phạm vi, mức độ, phương cách áp dụng phù hợp với đặc thù của tỉnh Tây Ninh.

+ Áp dụng phương pháp GINA-2002 trong giai đoạn can thiệp với cở mẫu điều trị 200 bệnh nhân HPQ, tuổi trung bình là 38,7 ±19,9 (trẻ em chiếm 21,5%); tỷ lệ bệnh nhân nữ trong nhóm nghiên cứu (60%) cao hơn nam, ở trẻ em tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn nữ; bệnh nhân chủ yếu cư trú tại thị xã (34%); nghề liên quan bụi chiếm 31%.

+ Tất cả bệnh nhân HPQ đều có ít nhất 1 yếu tố kích phát cơn HPQ. Các YTKP thường gặp là thay đổi thời tiết (85%), nhiễm trùng hô hấp (51%), bụi (46%), gắng sức (42,5%), thực phẩm (35,5%), khói thuốc lá (32,5%), lạnh (31,5%), hóa chất và mùi lạ (27,5%).

+ Trong lần đầu khám bệnh 100% đều có ít nhất một triệu chứng lâm sàng. Trong đó ho 94,5%; khó thở 89%; khò khè 87,5%; nặng ngực 65%; ran phế quản 2,5%. Có 18,5% BN dùng thuốc cắt cơ, 10,8% BN đã từng phải nhập viện cấp cứu vì HPQ. Tất cả các triệu chứng lâm sàng và chỉ số kiểm soát HPQ đều cải thiện rõ rệt sau hai tuần điều trị theo GINA.

+ X quang phổi chuẩn bình thường ở 96% BN; có 36,5% BN có đáp ứng với test giãn phế quản, trong đó chỉ số PEF đáp ứng cao nhất 30,5%. Hội chứng hạn chế 31,5%, hội chứng tắc nghẽn 28%, PEF thấp đơn thuần 19%, có 14% BN hô hấp ký bình thường.

-  Bảng số liệu, báo cáo phân tích có so sánh với các tài liệu nghiên cứu khác (BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; Viện Lao - Bệnh phổi Trung ương), lý giải vấn đề một cách khoa học.

-  Sau mỗi 3 tháng điều trị có trên 80% bệnh nhân được hạ bậc. Sau 9 tháng có 73,5% bệnh nhân HPQ bậc 4 được hạ đến bậc 1. Kết quả số BN tuân thủ điều trị còn thấp (42%), còn 58% BN không tuân thủ với nhiều hình thức và lý do khác nhau; tác dụng phụ không đáng kể (1,5%).

-  Qua nghiên cứu, việc xử trí theo chiến lược toàn cầu đối với bệnh HPQ đã mang lại hiệu quả rất tốt cả trên lâm sàng, hô hấp ký cũng như mức độ kiểm soát HPQ.

-  Mô hình quản lý, điều trị bệnh HPQ, phát đồ điều trị ở các Trạm y tế phường (xã); bệnh viện huyện, thị xã và các tuyến tỉnh.

-  Một số giải pháp cải tiến cho phù hợp với tình hình tỉnh Tây Ninh:

+ Thời gian tái khám mỗi tháng ngay sau lần khám đầu tiên thay vì 2 tháng vì điều kiện đi lại khó khăn; có thể dùng thuốc điều trị HPQ dạng Generics; mỗi 3 tháng các cơ sở y tế đưa bệnh nhân đến đo hô hấp ký tại Trung tâm phòng chống Lao và Bệnh phổi Tây Ninh;

+ Tư vấn kỹ cho BN trong suốt thời gian quản lý điều trị để tăng cường sự tuân thủ của BN; phổ biến kiến thức về HPQ để phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị HPQ cho BN, cộng đồng, nhân viên y tế công và tư, đặc biệt là y tế cơ sở;

+ Phối hợp với các ngành có liên quan đến HPQ nghề nghiệp, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về bệnh HPQ.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-  Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 28/01/2010. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thị, các dịch vụ Y tế tư nhân trong tỉnh ứng dụng chăm sóc điều trị bệnh HPQ; Báo cáo trong các hội nghị khoa học kỹ thuật để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh về việc áp dụng GINA trong điều trị HPQ.

-  Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về phương pháp điều trị HPQ theo GINA.

-  Trên cơ sở Chương trình quản lý HPQ, Trung tâm phòng chống Lao và Bệnh phổi đã thực hiện một số chương trình khác như: chương trình quản lý COPD theo hướng dẫn của GOLD, Chương trình tư vấn cai thuốc lá, tầm soát các bệnh hô hấp cho bệnh nhân bị di chứng điều trị lao phổi.

Đặc biệt về kinh tế và môi trường: cảnh báo người dân cách phát hiện và phòng ngừa bệnh HPQ, cải thiện môi trường sống và làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thay đổi kiến thức, thái độ hành vi đối với bệnh HPQ của nhân viên Y tế và cộng đồng. Các cơ quan chức trách quan tâm bảo vệ và cải thiện môi trường. Cho thấy vai trò của việc trang bị máy thăm dò chức năng hô hấp là cần thiết, hiệu quả và khả thi.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây