Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh làm việc với các sở, ngành trước Kỳ họp thứ 2

Thứ hai - 11/10/2021 15:00 121 0
Sáng ngày 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với các sở, ngành trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.


Các đại biểu Quốc hội tham gia buổi làm việc

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề bất cập, những vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các quy định của pháp luật, các quy định quản lý nhà nước của bộ, ngành Trung ương, các nhiệm vụ chính trị được giao. 


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân nêu ý kiến

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân đề nghị trong tình trạng nguồn điện khan hiếm, bộ, ngành Trung ương cần xem xét có phương pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn so với tình hình hiện nay. Đề cập đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Đình Xuân cho rằng phương pháp, biện pháp phòng, chống dịch còn rập khuôn, có tính cứng nhắc khi áp dụng biện pháp phòng, chống dịch, cần phải linh động, linh hoạt hơn. Cách xử lý một số sự việc liên quan công tác chống dịch dù nhỏ nhưng gây bức xúc trong dư luận cũng cần được xem xét, rút kinh nghiệm. Trung ương đặt trách nhiệm cho chính quyền địa phương rất nặng trong công tác phòng, chống dịch nhưng lại không quy định rõ trách nhiệm trong khôi phục, phát triển kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Đình Xuân cùng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan lĩnh vực nông nghiệp như, Chính phủ, Ngân hàng cho cơ chế để thực hiện giãn nợ, khoanh nợ để người nông dân có khả năng vay nợ lại, đáo hạn, có vốn tái sản xuất; cần có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời để giữ chân lao động; chính sách ưu đãi sản xuất nông nghiệp chưa thật sự nhất quán từ trên xuống dưới; việc xử phạt hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, chỉ sử dụng đại lý, chưa xử lý được tận gốc cơ sở sản xuất, đề nghị cần sửa đổi luật, nghị định, hoặc có cơ chế để xử phạt nghiêm cơ sở sản xuất có mặt hàng này, tăng tính răn đe. Công tác quản lý hồ Dầu Tiếng (thuộc địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) chưa được thống nhất, nhất là việc cho phép nuôi cá trong lồng bè làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đề nghị các tỉnh cần có sự  thống nhất hơn.


Đồng chí Đặng Minh Lũy - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phản ánh kiến nghị của cử tri

Qua khảo sát, giám sát quá trình thực hiện các quy định, chính sách pháp luật trên địa bàn, đồng chí Đặng Minh Lũy - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phản ánh, cử tri quan tâm nhiều đến công tác giảng dạy trong tình hình dịch bệnh. Cử tri lo lắng việc học trực tuyến hiện nay, nhất là đối với cấp tiểu học không đảm bảo chất lượng học tập của học sinh.

Đồng chí Đặng Minh Lũy còn kiến nghị, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội, và Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg, ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chuyên trách lãnh đạo tại các hội. Bởi, đối với cấp cơ sở, chỉ người giữ chức danh chuyên trách nhưng không phải là người nghỉ hưu tham gia, nên không được hưởng chế độ này, đề nghị xem xét lại.

Đến nay, một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2013 đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, tuy đã được sửa đổi và có thêm hướng dẫn nhưng thực tế vẫn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đề nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa để sửa đổi cho phù hợp, nhất là một số vấn đề có liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa đền bù, tái định cư liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, thực hiện chưa nhất quán giữa các địa phương.


Phó Giám đốc Sở Tài chính Trương Trúc Phương nêu kiến nghị

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trương Trúc Phương phản ánh khó khăn trong điều hành ngân sách Nhà nước, đề nghị phần điều hành tỷ lệ ngân sách dành cho cải cách tiền lương phù hợp hơn, cần cân đối như nhau giữa các địa phương. Đối với việc sắp xếp lại nhà đất, dôi dư theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn nhiều bất cập. Với những trụ sở do địa phương quản lý sắp xếp nhanh, sử dụng hiệu quả, nhưng những trụ sở mà Trung ương đóng trên địa bàn (ngành dọc) thì vẫn chưa có phương án sử dụng phần trụ sở dôi dư sau sắp xếp, gây tình trạng lãng phí. Vấn đề này dù đã kiến nghị lên Quốc hội, các bộ ngành Trung ương nhưng vẫn chưa có chỉ đạo, phối hợp với địa phương để giải quyết.

Góp ý về vấn đề sử dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Kim quyên đề nghị cần thống nhất một ứng dụng (app) trong phòng, chống dịch để người dân thuận lợi trong sinh hoạt, di chuyển đồng thời đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin tối đa cho người dân.

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn ghi nhận thêm nhiều ý kiến của ngành Lao động, thương binh và xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo…


Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành. Và mong rằng trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ, các sở, ngành kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn gặp phải để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phản ánh đến Quốc hội, các bộ, ngành nhằm góp phần xây dựng hệ thống pháp luật được hoàn thiện, chặt chẽ, đảm bảo được công tác quản lý điều hành ở địa phương hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây