Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cùng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Đề án, các cấp, các ngành, địa phương cùng nâng cao trách nhiệm trong xây dựng xã hội học tập; đồng thời, tạo điều kiện, cơ sở vật chất tốt nhất cho việc học tập; từ đó, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa để thực hiện xã hội học tập, cùng hướng đến mục tiêu, làm cho mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời.
Đề án hướng đến 4 mục tiêu: xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; học tập nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Qua 8 năm thực hiện, cả nước có tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 đạt 97,85%; 90,8% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại; 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và 33,3% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 và 27,93% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và 4,76% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tây Ninh là một trong 34 tỉnh, thành đạt mục tiêu 1 của Đề án.
Số cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ ứng
dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 93,89%; có 94,22% cán bộ, công chức từ trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 86,84% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc. Số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các Trung tâm học tập cộng đồng đạt 69,78%.
Theo báo cáo của các địa phương, những năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống tăng nhanh theo từng năm. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6% (cao hơn 14,6% so với mục tiêu của Đề án đến năm 2020).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Với Tây Ninh, trong 8 năm qua, việc thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Số người biết chữ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao và duy trì đều đặn hàng năm, vượt chỉ tiêu quốc gia về xoá mù chữ; hơn 90% trở lên số người mới biết chữ được học sau xoá mù chữ không bị tái mù chữ, đạt chỉ tiêu đề ra. 95/95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận phổ cập mức độ 1 và 57/94 xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập mức độ 2. Tỉnh còn làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; triển khai mạnh mẽ các mô hình học tập trên địa bàn, đạt hiệu quả cao.
Dịp này, hội nghị công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho 75 tập thể, 103 cá nhân tiêu biểu ở Trung ương và địa phương trong thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập không chỉ của riêng ngành Giáo dục, mà là của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, mà trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò nồng cốt, quan trọng. 8 năm qua, những kết quả đạt được là rất quan trọng, đáng khích lệ, có tính thực tiễn, thúc đẩy hình thành xã hội học tập. Điều đó cho thấy chủ trương này được ban hành kịp thời và đã đi vào thực tiễn.
Qua trao đổi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong thời gian tới có rất nhiều việc phải làm, cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng về quy mô, phương pháp, nhận thức, hành động để có thể triển khai tốt hơn việc xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.
Trong đó, cần thống nhất về mặt quan điểm, hành động, để xây dựng xã hội học tập thành công cần xem khả năng tự học, tự tích lũy là kỹ năng gốc, để trang bị cho mọi kỹ năng; thúc đẩy, khuyến khích mọi nhu cầu học tập, sẽ có được khả năng học tập. Học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện, mọi nội dung, mọi nhu cầu.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần xác định thật rõ vai trò của các thành tố, các bên liên quan trong phát triển xã hội học tập, thông qua hệ thống truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này; cần tác động đến mỗi người, khích lệ, ghi nhận khả năng học tập. Các cơ sở giáo dục với tất cả các loại hình đóng vai trò then chốt trong xây dựng xã hội học tập. Kế đó là vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp, để đào tạo cùng, đào tạo tiếp, chứ không phải đào tạo lại. Hệ thống các tổ chức mô hình cũng đóng vai trò quan trọng, tới đây, Bộ sẽ rà soát, đánh giá hoạt động của các mô hình để củng cố từng thành tố trong tham gia phát triển xã hội học tập.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên tập trung làm tốt công tác xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học, tăng cường truyền thông về xã hội học tập, xây dựng nguồn dữ liệu, tài nguyên số phục vụ cho học tập thường xuyên. Cạnh đó là các vấn đề về thể chế, Bộ sẽ rà soát đánh giá để hệ thống quy phạm pháp luật sẽ mở đường cho xã hội học tập phát triển.
Thanh Hoa