Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa và cả năm 2021

Thứ sáu - 01/10/2021 18:00 138 0
Sáng ngày 01/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 tại các tỉnh, thành phố Nam bộ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham dự.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Trồng trọt báo cáo cho biết, thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, nên ngành và các địa phương có sự chuẩn bị và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn các tỉnh, thành. Các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, cây công nghiệp đều phát triển tốt, ít dịch hại, năng suất cao, chất lượng tốt.

Ước kết quả sản xuất lúa vụ Thu Đông 2021, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo sạ hơn 710 nghìn ha, đạt 102% kế hoạch và giảm 9,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 56,0 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha và sản lượng ước đạt 4.005 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn.

Vụ Mùa toàn vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL diện tích lúa gieo sạ đạt hơn 250 nghìn ha, giảm 6 nghìn ha; năng suất ước đạt 49,7 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha và sản lượng gần 1.300 nghìn tấn, tăng 43 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL sản xuất lúa cả năm 2021 ước diện tích đạt hơn 4.100 nghìn ha, giảm hơn 58 nghìn ha; năng suất ước đạt 61,8 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha và sản lượng ước đạt 25.734 nghìn tấn, tăng 515 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất cây ăn quả vùng Nam bộ ước tổng diện tích của 25 loại cây ăn quả năm 2021 là gần 500 nghìn ha, tăng gần 30 nghìn ha so với năm 2020 và bằng 42,6% diện tích của cả nước (1.170 nghìn ha). Trong đó, vùng Đông Nam bộ ước tổng diện tích hơn 120 nghìn ha, tăng 10,1 nghìn ha (với các cây có diện tích lớn như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, mãng cầu…). Cùng với tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có diện tích sản xuất cây ăn quả lớn với 23 nghìn ha.

Do tình hình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại các tỉnh Nam bộ từ tháng 5 đến nay, ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Mặc dù các cơ quan Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để trái cây được thu mua, thông quan, tiêu thụ và xuất khẩu. Nhưng tình hình tiêu thụ một số thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến giá thu mua thấp một số mặt hàng trái cây như thanh long, chuối, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, xoài, dứa, …

Các địa phương và các doanh nghiệp thảo luận nhiều vấn đề về quá trình liên kết sản xuất lúa, tình hình phục hồi sản xuất sau dịch, những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất những tháng cuối năm; đồng thời đề xuất một số giải pháp đầu tư mạnh mẽ cho ĐBSCL để tiêu thụ lúa và các sản phẩm nông, thủy sản xứng tầm cho vùng; cần có nghị quyết chung hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp…


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu Tây Ninh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết, sản xuất trồng trọt của Tây Ninh đạt năng suất tốt, điểm chung là khó khăn chung về thị trường và vận chuyển nông sản như các tỉnh khác do dịch bệnh. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Phần lớn diện tích sản xuất của tỉnh nằm ở "vùng xanh", nông dân đi lại, mua bán thuận lợi nhưng thị trường nông sản chưa phục hồi.

Tây Ninh có 3 cây trồng chủ lực là mía, mì và cao su. Năm nay mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng 3 loại cây trồng này vẫn khởi sắc, riêng khoai mì xuất khẩu có tăng so với mọi năm. Đối với cây mì, người dân Tây Ninh có một tín hiệu vui là trong quá trình sản xuất đã thích nghi với bệnh khảm lá, hai giống chủ lực đang trồng hiện nay là KM 505 và KM 140 vẫn đạt năng suất trên 30 tấn/ha. Chữ bột đạt từ 27-30. Giá bán hiện nay trên 3.000 đồng/kg, người trồng khoai mì rất phấn khởi. Sở đang đề nghị tỉnh giải thể Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá trên cây mì do đã thích ứng được với dịch bệnh khảm lá và có được 2 giống mới do Bộ và tỉnh phối hợp thực hiện là HN 3 và HN 5 hoàn toàn không bị khảm, năng suất cao trên 30 tấn/ha. Dự kiến trong vụ tới, tỉnh sẽ đưa 70 ha đầu tiên vào sản xuất và lấy giống, với hy vọng chỉ trong vòng 1 vài năm tới, hai giống chủ lực này sẽ được nhân rộng đủ để cung cấp cho trong và ngoài tỉnh sản xuất an toàn đối với bệnh khảm lá.

Trong khi đang gặp khó khăn về đầu ra, thì giá một số lại phân bón lại tăng quá nhanh như các tỉnh đã phản ánh, Tây Ninh đề nghị Bộ cần có biện pháp kiềm chế, kiểm soát giá. Sau dịch bệnh, người dân không có khả năng trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, cần được hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ để có điều kiện tái sản xuất.

Với ý kiến của Tây Ninh, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cây mì rất quan trọng, xuất khẩu rất tốt, sau 9 tháng tăng so vùng kỳ tới 3% và là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất thuận lợi nên Tây Ninh cần tập trung cao độ cho cây trồng này.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường thông tin, Trung ương đã có các văn bản hướng dẫn đề nghị các ngân hàng thương mại có các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên mức nợ cho các hộ nông dân. Bộ sẽ tiếp tục có kiến nghị với ngân hàng nhà nước để có giải pháp phù hợp.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, trong điều kiện vô cùng khó khăn do dịch bệnh, ngành đã đạt một số thắng lợi, riêng trồng trọt khó khăn nhất, nhưng trong qúy 3 lại tăng cao nhất 3,3%. Sau 9 tháng, ngành trồng trọt tăng 29% so cùng kỳ năm 2020, ngoài thắng lợi vụ lúa ở các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ cũng đạt rất tốt. Sản lượng lúa năm nay đạt trên 43,3 triệu tấn cao hơn cả năm 2020, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu vẫn đảm bảo tốt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao, biểu dương các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân đã cố gắng trong sản xuất và chỉ đạo đối với phần diện tích vụ Thu Đông còn lại, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, bảo vệ chặt chẽ an toàn mùa màng, đảm bảo thắng lợi. Với quan điểm "xanh nhà hơn già đồng" các địa phương cần tiến hành thu hoạch nhanh gọn, đảm bảo an toàn, vừa chuẩn bị tốt cho vụ Đông Xuân.

Với nhiệm vụ triển khai vụ Đông Xuân, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương muốn đẩy mạnh sản xuất vẫn phải bảo đảm an toàn; đồng thời thống nhất thời vụ xuống giống sớm cho vụ Đông Xuân, đặc biệt với khoảng 400.000 ha ở các tỉnh ven biển để không xảy ra rủi ro mà lại mang thắng lợi toàn diện; tập trung nhóm giống chất lượng, đảm bảo xuất khẩu, đặc sản, lúa thơm, có phân khúc thị trường rộng hơn. Thứ trưởng kỳ vọng 3 tháng cuối năm, tình hình sản xuất trồng trọt sẽ có diễn biến tốt hơn nếu vẫn được kiểm soát được dịch bệnh tốt như hiện nay.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây