Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2021

Thứ bảy - 02/10/2021 18:00 120 0
Sáng ngày 02/10, Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.


Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Tây Ninh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự.

Trước khi vào nội dung đánh giá tình hình tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Hội nghị dành thời gian đầu để bàn giải pháp thích ứng với dịch bệnh, nhất là góp ý dự thảo hướng dẫn tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Bộ Y tế.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Các địa phương thể hiện sự băn khoăn đối với đánh giá nguy cơ mức độ dịch, thời gian chuyển cấp độ; đề nghị nên quy định khung ở một số chỉ số bắt buộc, còn lại tùy địa phương linh hoạt bổ sung thêm nhằm đảm bảo phát triển kinh tế mà vẫn an toàn chống dịch; việc "mở cửa" cần phải được thực hiện chặt chẽ, không để người lao động trở về địa phương một cách tự phát, tránh lây nhiễm COVID-19…

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đó là những ý kiến xác đáng, Bộ sẽ cân nhắc, nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo để có được chiến lược tối ưu nhất trong lúc này, khi cả nước chuyển từ chiến dịch zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, cho biết, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm nhìn chung đã đạt dược một số kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm; tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 1,42% dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Trong tháng 9, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm ổn định; tính chung 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Thu ngân sách 9 tháng đạt 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ, kịp thời đáp ứng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trong khi vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 thảng tăng 22,3% so với cùng kỳ, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong tương lai gần. Tính chung 9 tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối canh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. An ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ người dân, nhất là tại các khu vực cách ly, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Trong 9 tháng cả nước ghi nhận 117,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động. Trên 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm.

Cả nước triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống nhân dân, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách; đã hỗ trợ khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng cho 17,6 triệu lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Theo thống kê, đến nay, có hơn 45% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của kinh tế- xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hành khách bị đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua trong nước giảm sút, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống người dân, người lao động, nhất là tại khu vực thành thị chịu tác động nặng nề. Tăng trưởng quý III giảm đáng kể ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ. Lạm phát đang ở mức thấp, tuy nhiên, chỉ số giá các mặt hàng nguyên - nhiên - vật liệu cho sản xuất quý II1/2021 tiếp tục tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công thấp, tính chung 9 tháng đạt 47,38% kế hoạch, trong đó vốn nước ngoài chỉ đạt 12,69%, có 46 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao.

Các địa phương phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp đột phá để thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.


Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp (ảnh: chinhphu.vn)

Kêt luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại tinh thần vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục sản xuất kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương. Công tác lãnh đạo chỉ đạo được thực hiện rất quyết liệt bám sát tình hình, các kết luận của trung ương, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau và với địa phương. Đến nay, cơ bản nước ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai; số người mắc giảm, số ca tử vong cũng giảm.

Thủ tướng yêu cầu, dù đạt được kết quả khá khả quan, cả nước không được chủ quan, lơ là do hiện nay tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, và cũng không được cực đoan, thực hiện từng bước, có lộ trình "mở cửa" phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo chỉ đạo phòng, chống dịch, nhất là ở cơ sở, phải có sự phối hợp giữa các địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cần linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo của trung ương. Tăng cường phát triển, củng cố hệ thống y tế, sẵn sàng thực hiện y tế lưu động để người dân được tiếp cận y tế sớm nhất, thực hiện chống dịch theo nguyên tắc "5K+ vaccine + thuốc chữa bệnh + công nghệ + ý thức của nhân dân".

Song song với phòng chống dich là phòng, chống tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm, sử dụng sử dụng trang thiết bị y tế. Về giá kit test nghiệm nhanh kháng nguyên đang được dư luận quan tâm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới người dân.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đẩy nhanh tốc độ nhập vaccine vì đây là nội dung có tính quyết định việc "mở cửa" có thắng lợi hay không; làm tốt công tác ngoại giao vaccine; triển khai tiêm vaccine khoa học, hiệu quả, an toàn cho các đối tượng, địa bàn phù hợp theo quy định; xây dựng chế độ chính sách cho lực lượng tuyến đầu, huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch; khen thưởng động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huy động toàn dân tham gia phòng, chống dịch, tập trung nâng cao ý thức, thay dổi hành vi, thói quen của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong phòng chống dịch trong thời gian tới.

Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với bộ, ngành, địa phương nhằm sớm khôi phục kinh tế vừa giữ vững thành quả chống dịch.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây