Quang cảnh buổi tiếp xúc
Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc
Dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được đưa ra lấy ý kiến cùng với 7 dự án luật khác tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV tới đây.
Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Hồ Đức Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Sau khi phân tích sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, dự án Luật này do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.
Dự án Luật được xây dựng gồm 7 chương, 71 điều, tập trung vào 6 nội dung quan trọng, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro, thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; Vấn đề phân công trong quản lý nhà nước, phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa ứng phó khắc phục hậu quả, sự cố; Quy định các biện pháp để bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; Đổi mới về tổ chức của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia; Ứng dụng công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa và sự cố; Quy định về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.
Cơ bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật này, với cấu trúc của dự án luật và góp ý thêm.
Thượng tá Tạ Ngọc Tuân - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh nêu ý kiến
Thượng tá Tạ Ngọc Tuân - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh góp ý đối với Điều 23 dự án Luật quy định về Thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; đề nghị trong quy định nên có tính bắt buộc, đồng thời cần nêu rõ trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào bắt buộc khi huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Với Điều 21 quy định Cấp độ phòng thủ dân sự cùng các biện pháp theo từng cấp độ, cũng cần quy định biện pháp khẩn cấp áp dụng chung cho các cấp độ để bảo vệ tính mạng cho người dân. Góp ý Điều 38, Thượng tá Tạ Ngọc Tuân cho rằng, khi quy định lực lượng phòng thủ dân sự, cần nêu rõ hơn lực lượng nòng cốt tham gia phòng thủ dân sự là những lực lượng nào để khi có sự cố xảy ra việc huy động sẽ thuận lợi hơn.
Đại tá Lê Văn Vỹ - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh góp ý đối với dự án Luật
Đại tá Lê Văn Vỹ - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh góp ý đối với Khoản 3 Điều 50 quy định trách nhiệm của Bộ Công an, cần giải thích rõ cụm từ “sự cố cháy lớn” trong việc phối hợp xây dựng Kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; ứng phó sự cố an ninh mạng; quản lý và sử dụng lực lượng Công an chuyên trách làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, còn có ý kiến góp ý Điều 23 quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm phòng thủ dân sự, cần bổ sung cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4, theo 4 cấp độ được phân loại trong dự án Luật.
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý, thông tin làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh nội dung dự án Luật mà đại biểu quan tâm; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu góp ý để các quy định trong dự án Luật sát với thực tiễn hơn, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Chính Thuần