Đề nghị ngành chức năng quan tâm nâng mức hỗ trợ kinh phí, cũng như các chính sách hỗ trợ khác để đảm bảo cho người dân sống được với rừng

Thứ ba - 11/05/2021 20:00 57 0
Hiện nay, việc giao đất cho nông dân trồng rừng chưa đảm bảo thu nhập cho người dân sống được với rừng, nguyên nhân do cây trồng chính (sao, dầu…) quá lớn, cây trồng phụ để người dân thụ hưởng (keo) chậm phát triển, làm cho thu nhập của người trồng rừng quá thấp, dẫn đến các chủ hợp đồng trồng rừng chuyển nhượng hợp đồng trồng rừng, phá rừng nhiều,…. Đề nghị ngành chức năng quan tâm nâng mức hỗ trợ kinh phí, cũng như các chính sách hỗ trợ khác để đảm bảo cho người dân sống được với rừng (Cử tri xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên)

Trả lời:

* Hiện nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh được giao cho các Ban quản lý rừng, Ủy ban nhân dân các huyện và các tổ chức quản lý, bảo vệ, chưa thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp đến từng hộ gia đình, cá nhân. Việc người dân tham gia trồng rừng là thông qua hợp đồng giao khoán giữa các Ban quản lý rừng và hộ gia đình, cá nhân.

* Về kinh phí hỗ trợ và chính sách hỗ trợ khác:

- Mức hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng và giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, cụ thể:

+ Định mức khoán bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 300.000 đồng/ha/năm (bằng định mức bình quân quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg) theo Công văn số 4030/VP-TH ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kết luận phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh suất hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng và điều chỉnh, bổ sung vốn xây dựng cơ bản đầu tư phát triển và bảo vệ rừng bền vững năm 2017.

+ Định mức đầu tư trồng mới rừng theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg từ ngân sách Trung ương là 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, mức đầu tư trồng mới rừng (gồm 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc) bình quân trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 32 triệu đồng/ha rừng (Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn giá trồng mới và chăm sóc rừng trồng từ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).

- Về hỗ trợ kinh phí phòng cháy và chữa cháy rừng trồng: hiện nay, trong các quy định của Trung ương chưa có quy định về mức hỗ trợ này. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh (có trên 50% diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; 240km đường biên giới giáp với Campuchia, chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng), Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ kinh phí phòng, chống cháy rừng trồng bình quân trên 800.000đồng/ha/năm nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các công đoạn phòng cháy chữa cháy rừng (Công văn số 2679/UBND-KTN ngày 11 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ trương hỗ trợ kinh phí phòng chống cháy rừng trồng).

- Ngoài các định mức hỗ trợ đầu tư nêu trên, trong những năm đầu khi rừng trồng chưa khép tán, hộ hợp đồng được trồng xen cây phù trợ, cây nông nghiệp ngắn ngày và được hưởng toàn bộ nguồn thu từ cây phù trợ, cây trồng xen.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; theo đó, những diện tích rừng có đủ tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ môi trường rừng (rừng trồng đã thành rừng, rừng tự nhiên đang được bảo vệ …) các hộ nhận khoán sẽ được chi trả bình quân 200.000đồng/ha/năm. Đối với diện tích rừng trên địa bàn huyện Tân Biên hiện chưa có đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, nhưng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch chi trả, trong đó có điều tiết, chia sẻ một phần nguồn kinh phí chi trả cho các hộ nhận khoán trồng, bảo vệ rừng từ các địa bàn rừng khác trong tỉnh cho địa bàn huyện Tân Biên.

Như vậy, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm đầy đủ kinh phí hỗ trợ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng trồng. So với mặt bằng chung về mức thu nhập từ các ngành nghề khác trong xã hội thì mức hỗ trợ đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng còn khá thấp, tuy nhiên các mức hỗ trợ này thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc khác, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo động lực cho người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, ngày 26/02/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1152/BNN-TCLN về việc chính sách bảo vệ và phát triển rừng năm 2021, theo đó, hiện nay vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình, chính sách và các dự án hỗ trợ đầu tư của giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng và giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương) cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây