Trả lời:
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, chủ đạo là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật" đối với vùng sâu, biên giới để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngoài việc ưu tiên bố trí các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, đã chỉ đạo các Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh, huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình văn nghệ, kịch bản, tiểu phẩm, tổ chức phục vụ nhân dân các vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người (bình quân từ 50 đến 80 buổi/năm) nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần nhân dân vùng sâu, vùng dân tộc, kéo hẹp khoản cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng thành thị và nông thôn, kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Bên cạnh công tác triển khai thực hiện Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh còn chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là hệ thống thiết chế cấp xã, ấp, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như số lượng hoạt động phục vụ nhằm tạo sân chơi lành mạnh thu hút lực lượng thanh niên địa phương tham gia sinh hoạt, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, luyện tập thể thao góp phần hạn chế tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 94 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 253 nhà văn hoá ấp, liên ấp và 11 nhà văn hóa dân tộc, trong đó, có 49 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã; 253 nhà văn hoá ấp, liên ấp đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 và Thông tư Số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua công tác chỉ đạo, các đơn vị đã chủ động xây dựng đa dạng các mô hình, mẫu hình hoạt động mới để thu hút người dân tham gia, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 đội, nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng; 365 câu lạc bộ thể dục thể thao đang hoạt động dưới nhiều hình thức tại các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở và 630 điểm tập thể dục thể thao do tư nhân đầu tư trải đều trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo điểm vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần đáp ứng phần lớn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa văn nghệ trong cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh thiếu niên tại các địa phương.
Về giải pháp sắp tới:
- Tiếp tục từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất thiết chế văn hóa đảm bảo theo lộ trình tại Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh, về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025, theo đó tiếp tục đầu tư xây dựng 26 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã đạt chuẩn theo quy định.
- Ngoài công tác đầu tư của tỉnh, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tranh thủ các Chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ động liên hệ Cục Văn hóa cơ sở để trang bị các trang thiết bị hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại các xã khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới, đồng thời định hướng, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động khuyến khích sự sáng tạo và phát huy tính thực tế địa phương trong tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu người dân, tạo thành các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, luyện tập thể thao qua đó thu hút người dân, đặc biệt là các tầng lớp thanh, thiếu niên.
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ kiêm nhiệm đối với người quản lý thiết chế văn hóa, thể thao và kinh phí duy trì hoạt động Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa ấp, nhà văn hóa dân tộc. Đảm bảo 100% các thiết chế đều được phân bổ kinh phí hoạt động theo quy định.