Cơ chế, chính sách phù hợp để tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường thế giới

Thứ sáu - 05/07/2019 15:00 237 0
Nội dung chất vấn của ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Phát triển ngành mía đường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phù hợp với quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa của nước ta hiện nay. Niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho trong nước lớn, giá đường tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Hiện nay, các doanh nghiệp mía đường đang gặp khó khăn, thách thức nhiều mặt; người trồng mía không còn mặn mà, thiết tha với cây mía mà quay sang đầu tư cho cây trồng khác có lãi hơn đã làm cho diện tích trồng mía giảm mạnh, nhiều nhà máy sản xuất mía đường đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, mặc dù các chính sách phát triển, hỗ trợ cho ngành mía đường của Nhà nước tuy có nhưng không kịp thời, còn rời rạc, chưa cụ thể, còn chung chung với các chính sách nông nghiệp khác, thiếu tập trung nguồn lực, nặng về xử lý tình huống, chưa tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để ngành mía đường vươn lên và làm cho người trồng mía an tâm đầu tư cho sản xuất cây mía. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế nêu trên, giải pháp nào và bao giờ Chính phủ ban hành một cơ chế, chính sách phù hợp để tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường nước ta phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường thế giới?

Thủ tướng Chính phủ trả lời:

Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương hỗ trợ ngành mía đường vượt qua mọi khó khăn. Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và cơ cấu lại nông nghiệp, ngành mía đường nước ta còn một số tồn tại, hạn chế và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

1) Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế ngành mía đường nước ta:

a) Công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất nhiều nơi chưa tốt, việc nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn dẫn đến kết quả sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu  đặt ra, công tác nghiên cứu phát triển giống mía chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và xu hướng biến đổi khí hậu; năng suất, chất lượng mía thấp, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.

b) Quy mô, trình độ chế biến và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Tổ chức chế biến chưa tốt, năng suất đường thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 5,5 tấnđường/ha). Năng lực quản trị của các chủ doanh nghiệp mía đường còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều nhà máy vừa thiếu, vừa yếu làm hạn chế khả năng tiếp thu công nghệ mới trong sản xuất và kinh doanh.

c) Chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện, việc tổ chức đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và khâu phân phối sản phẩm còn yếu.

2. Các giải pháp để phát triển bền vững ngành mía đường và hội nhập với thị trường thế giới:

Hiện nay, mía đường vẫn là một trong những ngành hàng được bảo hộ trong các chính sách phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế và nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Các cam kết có tính chất mở cửa trong khu vực ASEAN tạo ra những động lực và thách thức cho ngành mía đường để chủ động nâng cao tính cạnh tranh, phát triển nội lực. Tiến trình hội nhập đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng trong từng giai đoạn phát triển, điển hình là năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị. Chính phủ xác định việc giữ sự ổn định sản xuất của nông dân, doanh nghiệp và an ninh lương thực đối với ngành mía đường là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên trong quá trình hội nhập, ngành mía đường phải tự chủ động cơ cấu sắp xếp lại, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành theo dõi sát sao diễn biến của sản xuất và tiêu thụ mía đường để có chính sách phù hợp. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020 (Quyết định số 4612/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 21 tháng 11 năm 2018), Đề án Phát triển ngành mía đường đến năm 2020, định hướng 2030 (Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 18 tháng 4 năm 2018) và tiếp tục xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành mía đường đến 2030, tầm nhìn 2050.

Trong thời gian tới, để phát triển ngành mía đường bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết hiệp định thương mại song phương và đa phương, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các bộ ngành định hướng phát triển ngành mía đường tập trung vào các nội dung sau: Giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu sản xuất mía nguyên liệu; tăng hiệu quả tối đa cho các sản phẩm đầu ra theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (như đường các loại, điện sinh khối, năng lượng sinh học, phân hữu cơ vi sinh,…). Triển khai các chính sách đồng bộ kết hợp với việc tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, có sự phối hợp tích cực giữa quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân; cụ thể, các Bộ, cơ quan địa phương có liên quan cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tiếp tục rà soát quy hoạch ngành mía đường, cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất đường, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, cụ thể:

- Cơ cấu lại vùng nguyên liệu: Các địa phương đặc biệt quan tâm tới việc cơ cấu lại vùng nguyên liệu theo quy mô công suất nhà máy, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của từng vùng sinh thái và địa phương. Chuyển đổi vùng đất không phù hợp với cây mía sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để tiến đến chủ động cung cấp đủ giống năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng vùng sinh thái trên phạm vi cả nước; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạ giá thành nguyên liệu mía;

- Cơ cấu lại sản phẩm: Sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, cân đối tỷ trọng giữa đường thô và đường luyện phù hợp với nhu cầu thị trường. Phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm của ngành đường: điện, giấy, cồn, ethanol, phân bón hữu cơ vi sinh, tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc để nâng cao công suất và hiệu quả sản xuất;

- Cơ cấu lại Nhà máy đường: Khuyến khích hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất đường lớn (nâng công suất bình quân đạt trên 6.000 tấn mía/ngày).

b) Đảm bảo lợi ích của người dân trồng mía: Yêu cầu các địa phương có sản xuất mía tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện có, như:

- Triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi hỗ trợ về liên kết, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ khuyến nông, giống vật tư trồng mía, tiêu thụ mía của người nông dân đã được quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

- Áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về miễn giảm tiền thuê, sử dụng đất, tập trung đất đai đối với doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng vùng nguyên liệu trồng mía, hợp đồng liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu trồng mía theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Phổ biến và tăng cường áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng đối với liên kết trong phát triển cánh đồng mía lớn, vùng nguyên liệu trồng mía trên cơ sở có hợp đồng ký kết giữa các hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu của quá trình sản xuất mía nguyên liệu thông qua việc cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ cây mía theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hiện hành khác có liên quan;

- Tập trung đào tạo nghề sản xuất trồng mía cho lao động trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp mía đường và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu mía.

c) Về thị trường: Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng:

- Tổ chức hệ thống tiêu thụ đường nội địa và nhập khẩu - xuất khẩu, ngăn chặn hiệu quả đường nhập lậu;

- Xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện;

- Tăng cường hợp tác đầu tư thương mại nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành đường Việt Nam trên thị trường quốc tế;

- Theo dõi sát sao các tác động của các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường để có phản ứng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển và thực tiễn.

d) Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách đặc thù đối với ngành sản xuất mía đường trong từng giai đoạn.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây