Tây Ninh hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 23

Thứ sáu - 02/12/2022 10:00 181 0
Ngày 02/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị lần thứ 23 cho ý kiến một số nội dung quan trọng.

BanCHDB-1.jpg

Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

BanCHDB-2.jpg 

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Hội nghị cho ý kiến dự thảo báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2022; dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Hội nghị đánh giá trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết năm 2022 đặt ra là khá toàn diện, tích cực.

Lần đầu tiên trong nhiều năm liền, tỉnh đạt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội

Năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được tập trung triển khai thực hiện cơ bản phát huy hiệu quả, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần thúc đẩy cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

 BanCHDB-3.jpg

Quang cảnh hội nghị

Lần đầu tiên trong nhiều năm liền, 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm.

Nhiều chỉ tiêu đạt sớm và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh uỷ và cùng kỳ: Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16,1%; các hoạt động du lịch đã khởi sắc, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ, với hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 200% so cùng kỳ; Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và tăng 17% dự toán.

Nhiều chỉ tiêu có xu hướng tăng trưởng ổn định, bền vững bù đắp cho hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tạo tiền đề để thực hiện cho các năm tiếp theo, hoàn thành Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Các chỉ tiêu khác của nền kinh tế cũng đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.060 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.463 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 14.500 tỷ đồng và 237,5 triệu USD, trong đó cấp mới 53 dự án.

Giải ngân xây dựng cơ bản tuy chưa đạt theo yêu cầu của Tỉnh đề ra, nhưng xét trên bình diện chung luôn nằm trong nhóm các các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, ước đến hết 31/01/2023, giải ngân 4.368,252 tỷ đồng, đạt 96,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 97,36% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Công tác xây dựng nông thôn mới hoàn thành kế hoạch đề ra; cuối năm 2022 có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 61/71 xã (đạt 85,9%).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, đẩy nhanh tiến độ, quan tâm chất lượng các Quy hoạch, định hướng liên kết vùng, xác định không gian lan tỏa, phát triển. Công tác quản lý nhà nước về đất đai tiếp tục được quan tâm, đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý đồng bộ, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai; kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm về quản lý đất đai.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt kết quả quan trọng; Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ tỉnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa”; Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, nhất là đảng bộ xã biên giới; Các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện quyết liệt các giải pháp trong Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 19/9/2021 của Tỉnh ủy về kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kiên quyết không chạy theo thành tích. Công tác kết nạp đảng viên thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, chất lượng nguồn kết nạp được nâng lên.

Hội nghị cũng xác định một số hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết năm, như công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị thành phố Tây Ninh đến năm 2040 gắn với ban hành Nghị quyết về phát triển thành phố Tây Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị một số địa phương chưa đảm bảo tiến độ. Công tác tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế được quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả còn hạn chế. Vướng mắc, bất cập liên quan đến đất đai chưa được tháo gỡ kịp thời. Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục đã được nhận diện, chỉ ra nhưng việc đề ra biện pháp giải quyết và tổ chức khắc phục còn khó khăn, chuyển biến chưa nhiều; tình trạng thiếu thuốc, thiếu giáo viên chậm được khắc phục.

 BanCHDB-4.jpg

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong thông tin thêm, theo số liệu Tổng Cục thống kê vừa công bố, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh đạt 9,56%, đứng thứ 16 của cả nước; nhất vùng Đông Nam bộ, đứng thứ 28 về quy mô nền kinh tế của cả nước. Cơ cấu tăng trưởng cũng có thay đổi, về công nghiệp xây dựng tăng trưởng 15%, nông nghiệp tăng trưởng 2,7%; dịch vụ tăng trưởng 9,6%.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng, năm 2023, đặt ra tốc độ tăng trưởng 8% là khá cao, bởi, từ cuối năm tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đang giảm đơn hàng, giảm giờ làm. Tuy khó nhưng tỉnh vẫn có khả năng đạt được, với dự kiến năm tới, lĩnh vực công nghiệp xây dựng phát triển với các dự án lớn, sẽ đạt mức tăng trưởng 13,2%; thương mại dịch vụ dự kiến tăng trưởng 6,5%. “Khả năng thực hiện đạt nếu chúng ta có quyết tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển” - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nói.

Về thu ngân sách, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trong năm 2023, tỉnh sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ đất, cộng với việc tăng số doanh nghiệp hết ưu đãi cũng là cơ hội để tăng nguồn thu và nguồn thu từ khu du lịch núi Bà. Theo tính toán, nếu nguồn thu từ doanh nghiệp FDI giảm, tỉnh cũng đã chủ động một số nguồn thu khác bù đắp, có biến động cũng sẽ không lớn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, Thành ủy, huyện ủy, thị ủy phân tích làm rõ thêm một số vấn đề nổi lên trong tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực biên giới và có những dự báo tình hình trong năm 2023. Nhìn chung, với sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành, các địa phương trong tỉnh gần đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nâng cao đời sống của người dân. Bí thư Thành ủy Tây Ninh Lê Minh Thế cho biết, năm 2023, thành phố Tây Ninh phấn đấu tự cân đôi ngân sách, 10/10 phường, xã tự cân đối ngân sách.

 BanCHDB-5.jpg

Bí thư Thành ủy Tây Ninh Lê Minh Thế phát biểu tại hội nghị

 BanCHDB-6.jpg

Bí thư huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ phát biểu tại hội nghị

Trong góp ý vào dự thảo báo cáo, Bí thư Thành ủy Tây Ninh đề nghị cần đánh giá rõ hơn vai trò của Ban thường vụ, Ban chấp hành trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết năm 2022. Bí thư huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ nhận định, chuyển đổi số và cải cách hành chính sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới, do đó, cần đưa vào những biện pháp để thực hiện trong năm 2023.

Năm 2023: Tỉnh ủy đề ra 21 chỉ tiêu cụ thể

Năm 2023, dự thảo nghị quyết Tỉnh ủy đặt ra 21 chỉ tiêu cụ thể, trong đó, có những chỉ tiêu đáng lưu ý như: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – theo giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.000 USD; Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành - chưa tính thuế sản phẩm): nông - lâm - thủy sản 20 - 21%; công nghiệp - xây dựng 44 - 45%; dịch vụ 29 - 30%; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,15 - 0,2%; số lao động có việc làm tăng thêm là 16.000 lao động; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 73%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 91,5% (tương đương 65 xã); Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%. Tỷ lệ đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%. Phấn đấu đạt tỷ lệ kết nạp đảng viên mới từ 3% trở lên/tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh (ước 1.179 đảng viên);

Chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức của năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc làm rõ thêm bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội của tỉnh nhà năm 2022 với những thành quả vượt ngoài mong đợi.

 BanCHDB-7.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị triển khai thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số, tăng cường tính kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ

Năm 2022, tỉnh vượt cao về tăng trưởng, lần đầu tiên đạt và vượt 100% chỉ tiêu đề ra, trong đó 9/9 chi tiêu cơ bản về kinh tế đều vượt, du lịch tăng trưởng ngoạn mục cả về doanh thu lẫn số lượng khách du lịch, duy trì trong top 5 điểm đến hấp dẫn và có du khách nhiều nhất cả nước. Xuất khẩu lập mốc mới, đạt mức hơn 6 tỷ USD. Thu ngân sách đạt toàn diện, có khả năng cuối năm vượt ngưỡng 12.000 tỷ đồng, lập nên dấu mốc mới. Đặc biệt chưa có năm nào thu ngân sách cấp huyện về đích trước thời hạn từ 2 đến 5 tháng, top đầu là các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và Bến Cầu. An sinh xã hội thực hiện rất tốt, hai năm liền, tỷ lệ hộ nghèo nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Quốc phòng an ninh đạt kết quả toàn diện, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, 2 năm liền kéo giảm 3 tiêu chí về tai nạn giao thông.

Phân tích nguyên nhân của những thành tựu trên, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến quyết tâm vượt khó vươn lên khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân là rất lớn. Bên cạnh đó là một số yếu tố thuận lợi khác.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định những thuận lợi, thách thức, khó khăn trong năm 2023 và đưa ra các biện pháp để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Đó là tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt; chủ động phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam bộ cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ chương trình hành động của Chính phủ về kết nối vùng, đặc biệt là tham gia vào quy hoạch vùng. Tiếp tục chủ động đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược như dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài, dự án cao tốc Gò Dầu-Xa Mát giai đoạn 1; hoàn thiện thủ tục pháp lý đề xuất quy hoạch sân bay ở Tây Ninh; phối hợp với các địa phương lân cận để thực hiện chương trình hợp tác mới được ký kết, nhất là về hạ tầng giao thông; quan tâm nắm bắt những khó khăn đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế để phát triển; duy trì phát huy kết quả phân bổ vốn, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao hơn; đẩy mạnh khai thác các nguồn lực vào ngân sách, tạo nguồn lực đầu tư phát triển tốt hơn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là chuyển đổi số, tăng cường tính kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ, xác định trách nhiệm, xử lý trách nhiệm, nâng cao tinh thần dám nghĩ dám làm... Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung chỉ tiêu người dân tham gia BHYT vào chỉ tiêu năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

BanCHDB-8.jpg 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu lập Ban chỉ đạo của tỉnh về giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cơ bản thống nhất dự thảo báo cáo năm 2022 và dự thảo nghị quyết năm 2023, một số ý kiến phân tích, làm rõ thêm các vấn đề về kết quả đạt được, dự báo tình hình, đề xuất một số nội dung đưa vào nghị quyết năm 2023 và đồng tình với những ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh về định hướng phát triển tỉnh trong năm 2023.

Liên quan đến dự thảo nghị quyết năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh xem xét, bổ sung thêm vào nghị quyết năm 2023 (theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) về chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP và chỉ tiêu kinh tế số; thống nhất không đưa nhiệm vụ đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới huyện Bến Cầu vào chỉ tiêu của năm 2023. Về chỉ tiêu phát triển đảng viên - vấn đề các tổ chức đảng rất quan tâm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện tỷ lệ phát triển đảng viên đặt ra từ đầu nhiệm kỳ của đại hội đảng các cấp vì đây là chỉ tiêu pháp lệnh phải hoàn thành. Riêng chỉ tiêu phát triển đảng viên theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, là chỉ tiêu phấn đấu.

Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị bổ sung thêm có giải pháp vấn đề xử lý ô nhiễm xuyên biên giới; trong chỉ đạo điều hành, cần tăng cường phối hợp giữa sở, ngành với cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lập Ban chỉ đạo của tỉnh về giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; quan tâm chỉ đạo giải quyết tình trạng khó khăn của người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất và ổn định xã hội trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI giảm đơn hàng. Trong thực hiện Đề án của Tỉnh ủy về hỗ trợ đảng viên khó khăn, cần giao nhiệm vụ cho các đảng bộ, chi bộ tăng cường vận động và hỗ trợ để giải ngân nguồn vốn huy động này; tiếp tục nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương năm 2023, sẽ được cập nhật theo Hội nghị Trung ương 6 trong thời gian tới.

Hội nghị cũng cho ý kiến đối với tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về các nội dung dự kiến trình Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 và tờ trình nội dung chuyên đề về lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây