Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng quan tâm, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho gia đình, cộng đồng đối với trẻ tự kỷ

Thứ năm - 21/01/2021 14:00 43 0
Hiện nay tình hình trẻ em mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển về ngôn ngữ là lo lắng của các gia đình, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị, giáo dục đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển. Trên địa bàn tỉnh chưa có trường dành riêng dạy trẻ tự kỷ và chậm phát triển ngôn ngữ mà chỉ có các lớp chuyên biệt do tư nhân mở. Để có biện pháp cho trẻ được can thiệp sớm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng quan tâm, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho gia đình, cộng đồng đối với trẻ tự kỷ và mở lớp chuyên biệt cho những trẻ em này (Nhân dân thành phố Tây Ninh).

Trả lời: 

a) Việc tổ chức các biện pháp can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật

Từ năm 2016 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Dự án DISTINCT triển khai mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ từ 0 - 6 tuổi với quy trình hoạt động cụ thể theo Công văn số 2200/UBND-VX ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc tiếp nhận dự án "Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ như sau:

- Hàng năm, ngành Giáo dục và Y tế cùng với Dự án tổ chức sàng lọc trẻ em từ 0 đến 6 tuổi trên toàn tỉnh nhằm xác định và hỗ trợ những trẻ em có những dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ khám và đánh giá để xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và nhu cầu can thiệp để có giải pháp can thiệp phù hợp về các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế và hòa nhập xã hội (bao gồm trẻ em mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển về ngôn ngữ).

- Sau khi sàng lọc sẽ khám/đánh giá, chẩn đoán và phân loại để xác định dạng tật, mức độ khuyết tật cho trẻ em có dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật sau khi sàng lọc, đồng thời đưa ra định hướng can thiệp cho từng trẻ.

- Căn cứ vào kết quả khám, đánh giá nêu trên và nhu cầu của từng trẻ, ngành Giáo dục tiếp nhận, thực hiện can thiệp các trẻ em có khuyết tật về trí tuệ và khuyết tật thần kinh, tâm thần cũng như các trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt khác, cụ thể như sau:

- Hình thức can thiệp bao gồm:

+ Can thiệp cá nhân do giáo viên mầm non được đào tạo/tập huấn thực hiện tại trường (nếu trẻ có đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non) hoặc tại nhà (đối với trẻ không đi học).

+ Can thiệp tại nhà do phụ huynh thực hiện dưới sự tư vấn của chuyên gia theo 02 hình thức: tập huấn phụ huynh và tư vấn can thiệp tại nhà (đã tổ chức tập huấn cho 100% cha mẹ trẻ/người chăm sóc trẻ khuyết tật về kiến thức và kỹ năng về Giáo dục đặc biệt).

Quy trình can thiệp cá nhân: Ngay sau khi được khám/đánh giá và xác định tình trạng khuyết tật, nhà trường phân công giáo viên đã được tập huấn về can thiệp giáo dục đặc biệt thực hiện can thiệp cho trẻ (có 347 giáo viên mầm non được đào tạo/tập huấn về năng lực, kỹ thuật can thiệp giáo dục đặc biệt, trong đó có 41 GV được đào tạo cử nhân về Giáo dục đặc biệt, 02 giáo viên đang được đào tạo về Ngôn ngữ trị liệu nhi). Trên cơ sở kết quả đánh giá của chuyên gia, giáo viên làm việc với phụ huynh và trẻ để đánh giá chi tiết khả năng và nhu cầu của trẻ và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng trẻ. Trẻ được can thiệp theo hình thức cá nhân 1 cô, 1 trẻ. Giáo viên mầm non thực hiện can thiệp cho trẻ theo kế hoạch hàng tuần, đồng thời hướng dẫn phụ huynh phối hợp can thiệp cho con. Căn cứ vào kế hoạch giáo dục cá nhân, sự tiến bộ của từng trẻ, trẻ sẽ được đánh giá tiến bộ sau 3-6 tháng can thiệp.

Hiện nay, có 822 trẻ đang được can thiệp giáo dục đặc biệt (664 trẻ được giáo viên mầm non can thiệp, 158 trẻ được phụ huynh can thiệp tại nhà). Có 274 trẻ được đánh giá có tiến bộ và cho đóng ca, kết thúc can thiệp.

b) Việc mở lớp chuyên biệt cho trẻ khuyết tật

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục, ngành Giáo dục đang triển khai giảng dạy học sinh khuyết tật theo hai phương thức: Giáo dục hoà nhập (học sinh khuyết tật được học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh) và giáo dục chuyên biệt (Trường Khuyết tật tỉnh). Đối với giáo dục chuyên biệt, Trường Khuyết tật tỉnh đang tổ chức giảng dạy cho 150 học sinh khuyết tật cấp tiểu học, cụ thể:

- Học sinh khiếm thính: 93 em

- Học sinh khiếm thị: 17 em

- Học sinh chậm phát triển trí tuệ: 32 em

- Học sinh mắc chứng tự kỷ: 8 em. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây