Đề nghị UBND tỉnh sớm có triển khai xây dựng nhà trẻ gần các khu công nghiệp và giải pháp giữ trẻ vào ngày thứ 7 để tạo điều kiện cho công nhân lao động yên tâm làm việc

Thứ ba - 26/01/2021 08:00 46 0
Hiện nay ở các khu công nghiệp của tỉnh có khoảng 62.686 lao động nữ trong tổng số 106.837 người lao động, chiếm khoảng 58,67% công nhân làm việc, nhưng chưa có nhà gửi trẻ, nhà mẫu giáo. Bản thân người lao động có thu nhập thấp nên không có điều kiện thuê người trông giữ con ở nơi khác. Đề nghị UBND tỉnh sớm có triển khai xây dựng nhà trẻ gần các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân và giải pháp giữ trẻ vào ngày thứ 7 để tạo điều kiện cho công nhân lao động yên tâm làm việc (Liên đoàn lao động tỉnh)

Trả lời:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020, theo đó xây dựng mới 06 trường tại khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy mô tối thiểu từ nguồn xã hội hóa: 33.600.000.000 đồng; nâng cấp sửa chữa các trường mầm non công lập tại địa bàn có khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp được đến trường không chỉ giảm bớt nhọc nhằn cho người công nhân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kết quả đến nay do nhiều nguyên nhân 6 trường trong đề án chưa kêu gọi được đầu tư, nguyên nhân như sau:

- Doanh nghiệp có sử dụng lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ không thực hiện cam kết xây dựng trường học trong thực hiện đầu tư, chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ.

- Chưa có các doanh nghiệp lớn đầu tư mở trường, chỉ có các hộ nhỏ lẻ mở cơ sở tư thục. Hiện nay, có 11 cơ sở GDMN tư thục ở khu vực khu công nghiệp nhưng quy mô còn nhỏ mang tính tự phát nên thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng cho yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; phần lớn giáo viên ở các nhóm, lớp tư thục độc lập năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, việc tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi theo chương trình giáo dục mầm non chưa bảo đảm chất lượng, chỉ thực hiện cho trẻ ăn ngủ và đảm bảo an toàn cho trẻ là chính.

- Do thiếu trường, lớp mầm non và cơ sở vật chất, trường lớp ngành học mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đảm bảo, nhiều trường hợp phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ hoặc chọn gửi cho ông bà trông coi để học tại địa phương.

Để giải quyết khó khăn cho giáo dục mầm non nói chung và giảm áp lực lớn lên các trường mầm non công lập trên địa bàn có công nhân thuê trọ nói riêng, những năm gần đây mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non được chính quyền địa phương quan tâm mở rộng, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn tỉnh; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Kế hoạch thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu ban hành các cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư mở trường ở các khu – cụm công nghiệp, khu kinh tế. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp được đến trường không chỉ giảm bớt nhọc nhằn cho người công nhân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống GDMN trên địa bàn tỉnh đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây